“Trí ngủ” trong xã hội Việt Nam

Ngày 13/8, Facebooker Chau Doan – tức nhà báo Đoàn Bảo Châu, đã bình luận trên trang cá nhân của mình về thói háo danh của người Việt.

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Tôi không ngạc nhiên về sự việc [sư Thích Chân Quang không có tên trong danh sách dự thi tốt nghiệp cấp 3], khi mà xã hội Việt Nam đầy rẫy tính háo danh, ưa chuộng sự khoe mẽ, bằng cấp, danh hiệu…

Nhân vật [Thích Chân Quang] cũng chỉ là một cá nhân điển hình trong đám đông cùng một màu sắc giả tạo. Tôi đã viết rất nhiều về những phát ngôn ngớ ngẩn của nhân vật này, khi hắn đang được tung hô một cách ồn ào.

Nhưng tôi không chỉ muốn nói đến tay giáo sư thợ nói, bậc thầy trong việc uốn éo ngôn từ [Hoàng Chí Bảo], người được trả tiền để ca tụng ai đó, trong những bữa tiệc mà hắn được mời. Sau khi ca tụng, họ lại vội vàng chối bỏ chính những lời mình đã nói, đổ lỗi cho người khác rằng, đã gán ghép câu chữ vào miệng mình, để tránh mất mặt.

Status này, tôi muốn nói đến những người tự nhận là trí thức ở Việt Nam. Họ có chút chữ nghĩa trong đầu, sở hữu vài cuốn sách, nhưng nhân cách lại nông cạn. Họ chỉ viết ra những điều mà quyền lực chấp nhận, và được công chúng dễ dãi tung hô.

Họ khoe khoang những chai rượu đắt tiền, những bữa tiệc xa hoa trên mạng xã hội, tự hào khi được kề vai, cọ má với những người mà họ coi là “thượng lưu” trong xã hội.

Điều họ không hiểu là, một người được coi là trí thức trong xã hội, thì trước tiên, cần phải dùng trí tuệ và trái tim để đánh thức lương tri xã hội, sử dụng vốn tri thức của mình để góp phần khai sáng dân trí, chứ không phải để ru ngủ dân chúng bằng những lập luận mơ hồ, thiếu căn cứ và vô bổ.

Đến đây, tôi thấy việc gọi họ là “trí ngủ” là thích hợp. Họ chỉ được thức tỉnh một chút bởi chữ nghĩa, nhưng thực chất, chỉ đại diện cho một tầng lớp có chữ nghĩa trong ao làng. Họ chỉ biết ăn theo, nói leo, và chẳng bao giờ trăn trở về điều gì, miễn là có ai đó mời đi nhậu chiều nay, hay tuần sau có hội nào đó rủ đi chơi.

Họ lại có tính kiêu ngạo, mang trong mình ảo tưởng rằng, mình là thành phần trí thức thực sự của xã hội, là tinh hoa của thời đại, tự cho mình là “chiếu trên”, với cách ứng xử trịnh thượng.

Trong khi đó, trí thức đích thực bắt buộc phải là con tim và khối óc của xã hội. Con tim biết đau với nỗi đau của dân nghèo, dũng cảm dám nói những điều trái với sự áp đặt của quyền lực, khối óc biết khát khao nhìn ra những căn bệnh của xã hội, và tìm ra phương thuốc chữa trị.

Đó là những người có chút chức sắc trong lĩnh vực văn hóa, có liên quan đến sách vở.

Nhưng đám đông còn lớn hơn nhiều, có thể nói gấp hàng trăm, hàng nghìn lần so với đám trí thức giả tạo, chỉ lo kiếm tiền. Kiếm tiền là một nhu cầu cần thiết và đáng khen khi được thúc đẩy bởi nhu cầu thực sự của cuộc sống, nhưng khi con người quá miệt mài kiếm tiền, họ trở thành những sinh vật tầm thường, lúc nào cũng chỉ lo tích lũy cho đầy tổ, mà không biết sẽ làm gì tiếp theo, khi tổ đã đầy. Họ không cần băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống, cứ ăn, ngủ, và hưởng thụ, nhưng ở một đẳng cấp cao hơn mặt bằng xã hội, để thấy oai. Tầng lớp “váng sữa” mà!

Số người thực sự đáng trọng trong xã hội, những con người có trái tim và khối óc thực sự biết đập và suy nghĩ đúng với chữ “trí thức”, thì rất ít ở Việt Nam.

Điều đáng buồn là, điều này khiến những con người thực sự có lương tri và đáng trân trọng trở nên cô đơn trong xã hội. Họ là những người thiệt thòi nhất. Những kẻ thô bỉ thậm chí còn coi thường, bảo họ dại, sao không sống “khôn ngoan” như chúng.

Những người trong hệ thống không phải không nhận thấy xã hội đang xuống cấp toàn diện, chính vì vậy mà có vị kêu gọi “chấn hưng văn hóa” bằng nhiều nghìn tỷ, nhưng riêng lời kêu gọi đó đã thể hiện một não trạng kém cỏi và thô thiển về văn hóa rồi.

Martin Luther King Jr. đã nói rất đúng:

“Cuối cùng, chúng ta sẽ không nhớ lời nói của kẻ thù, mà là sự im lặng của bạn bè.”

 

Quang Minh – thoibao.de