Ảnh giả nổi bật nhất trong trào lưu sơn cờ nóc nhà

Ngày 15/8, BBC Tiếng Việt bình luận ‘“Biến mỗi nóc nhà thành lá cờ”: Nổi bật nhất lại là hình ảnh giả”.

Theo đó, nổi bật trong trào lưu “biến mỗi nóc nhà là một lá cờ Tổ quốc”, là một số bức ảnh có cảnh những mái nhà phủ kín quốc kỳ ở Thanh Hóa.

BBC cho biết, hình ảnh này được nhiều nhóm và người dùng mạng xã hội chia sẻ lại, cùng với sự bày tỏ niềm tự hào, phấn khích. Nhiều người cổ vũ việc sơn cờ cần được nhân rộng.

Trong đó, trang Facebook của VTVcab – Tin Tức thuộc Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ với dòng chú thích: “Việt Nam dạo này… Quá tuyệt vời. Yên Định – Thanh Hoá. Ảnh: Lương Xuân Tâm”.

Với cách đăng tải như vậy, không bất ngờ khi nhiều người tưởng rằng, ở Thanh Hóa thực sự có những mái nhà sơn quốc kỳ Việt Nam như vậy.

Thực tế, BBC cũng cho biết, đây là bộ ảnh đã qua chỉnh sửa photoshop, tác giả là ông Lương Tâm Xuân. Ông Tâm chia sẻ với truyền thông nhà nước rằng, ông “vô cùng bất ngờ khi bộ ảnh được quan tâm và chia sẻ nhiều đến như vậy”, và cho rằng, cách chia sẻ mà không nêu rõ ảnh đã qua photoshop đã dẫn tới hiểu lầm.

Hiện tại, ông Tâm nói, đã khóa bộ ảnh này trên trang Facebook cá nhân.

BBC đặt câu hỏi: Liệu những tài khoản chia sẻ lại bức ảnh của ông Tâm, tương tự như cách mà VTV Cab đã làm, có bị coi là đăng tải thông tin sai sự thật.

Chiều 15/8, VTV Cab đã xóa bài viết nói trên mà không có lời giải thích nào.

BBC nhắc lại, ở Việt Nam, việc phát tán thông tin trên mạng có thể bị xử phạt, nếu cơ quan chức năng kết luận đó là thông tin “xuyên tạc”, “sai sự thật”.

Trong những năm qua, đã có nhiều người bị xử phạt, thậm chí bị xử lý hình sự, khi đưa các thông tin lên mạng xã hội mà cơ quan chức năng kết luận là “sai sự thật”, “xuyên tạc”, “gây dư luận xấu”.

BBC bình luận, trên thực tế, cơ quan chức năng chỉ xử phạt các thông tin mà họ cho là “xấu”“sai sự thật”, “xuyên tạc”. Việc đăng tải thông tin “sai sự thật” mà có nội dung theo họ là “tốt” thì có thể không bị xử phạt.

Đánh giá về trào lưu này, BBC dẫn bài viết ngày 13/8 của báo VnExpress, trong đó có nêu ý kiến của Thạc sĩ Lê Anh Túc – trường Đại học Văn Lang (Sài Gòn), cho rằng, nguyên nhân trào lưu này trở nên phổ biến, vì đã “chạm đến lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của từng người dân, trong đó có thế hệ trẻ”.

Tuy nhiên, một số người cho rằng, trào lưu này có thể gây tác động xấu tới môi trường.

BBC dẫn bài viết của ông Đặng Văn Thuận trên Facebook cá nhân:

“Sơn trên bề mặt tôn, ngói, bằng hình thức sơn xì rất thủ công như thế này, cùng dưới cái nắng nhiệt đới thường xuyên trên dưới 40 độ ở Việt Nam, khiến lớp sơn rất dễ mau hư hoại.

“Và các hóa chất này sẽ thấm xuống nước, xuống đất. Cuối cùng chúng đi đâu? Chúng vào cơ thể các vật nuôi, vào cây cối, vào thực phẩm, vào cơ thể của chúng ta.”

Theo BBC, không ít người cho rằng, việc sơn mái nhà như vậy là một phong trào nặng về hình thức, không có giá trị thực tế, tạo nên lòng tự hào sáo rỗng.

Từ góc độ chính quyền cũng đã có những ý kiến đánh giá cẩn trọng hơn về trào lưu này.

BBC dẫn bài viết ngày 15/8 trên báo Thanh Niên, bà Lê Thị Thúy – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Huyện Yên Định, nói:

“Việc vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà là trào lưu, nhưng trào lưu lấy hình ảnh cờ Tổ quốc gắn lên như thế thì không đúng về mặt tuyên truyền. Cờ Tổ quốc phải treo ở nơi trang trọng, chứ không phải chỗ nào cũng tự ý vẽ hay treo lên được.”

Vẫn theo BBC, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định liên quan tới quốc kỳ.

Cụ thể, Điều 351 nêu: Người nào nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

 

Quang Minh – thoibao.de