Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã qua đời sau hơn 13 năm giữ cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tang lễ của ông Trọng, với không khí hết sức nghiêm trang, thì nụ cười “khó hiểu” của ông Nguyễn Tấn Dũng, đã khiến dư luận nổi sóng.
Thái độ “khó hiểu” của ông Ba Dũng cũng như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đã khiến người ta nghĩ đến phát biểu của Tổng Trọng, “mình phải như thế nào thì người ta mới như thế chứ”. Nghĩa là, những hành động gây thù, chuốc oán của ông Trọng trước đây, với ông Ba Dũng và các đồng chí trong Đảng, đã khiến ông phải trả giá.
Trên mạng xã hội có không ít ý kiến nghi ngờ, phải chăng, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở lại chính trường?
Tại Đại hội 12, Tổng Trọng với sự giúp sức của Ban lãnh đạo Bắc Kinh, đã thành công loại bỏ ông Ba Dũng. Mặc dù, trước đó, ông Dũng nhận được sự ủng hộ của gần 80% Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đó là lý do vì sao, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa 11, Tổng Trọng từng đề nghị tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiến hành kỷ luật Thủ tướng Dũng, nhưng đã bị đa số ủy viên Trung ương bác bỏ.
Sau Đại hội Đảng 12, ông Tô Lâm – người từng là thư ký riêng của Thượng tướng – Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng, một nhân vật thân tín và là trợ lý về vấn đề An ninh, Tôn giáo của Thủ tướng Ba Dũng, đã trở thành Bộ trưởng Công an.
Bộ trưởng Tô Lâm vốn dĩ cũng là một “cáo già” trong ngành công an, nên đã dễ dàng qua mắt được Tổng Trọng, nhanh chóng trở thành một nhân vật được tin cẩn, và giúp sức cho ông Trọng gặt hái được những thành công trong công cuộc “đốt lò”. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Trọng, Bộ Công an của ông Tô Lâm đã trở thành một công cụ đắc lực, sẵn sàng đè bẹp bất kỳ ai theo ý Tổng Trọng.
Trong hơn 8 năm ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm đã “đủ lông, đủ cánh”. Thêm vào đó, kho dữ liệu về các hồ sơ “nhúng chàm” của các quan chức cấp cao được thành lập. Khi sức khỏe của Tổng Trọng gặp vấn đề, do tuổi cao sức yếu, Tô Lâm đã chính thức bộc lộ “Kế hoạch đảo chính không tiếng súng” và đã thành công.
Hàng loạt các ứng viên cho chức vụ Tổng Bí thư tại Đại hội 14, là những nhân vật thân cận được Tổng Trọng dày công đào tạo, nâng đỡ, đều bị Tô Lâm xóa sổ chóng vánh. Chỉ trong vòng 73 ngày, từ một Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nắm giữ 2 trong 4 ghế “Tứ trụ”.
Cuối cùng, quan hệ giữa cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tô Tổng, hình như đã được truyền thông nhà nước gián tiếp xác nhận.
Sáng 17/8, Đảng ủy Công an Trung ương và Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Công an thành phố Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, buổi lễ có sự hiện diện của cựu Thủ tướng Ba Dũng, với dáng ngồi “oai vệ”, bên cạnh Tô Tổng.
Theo giới phân tích, ông Ba Dũng từng tuyên bố với các tướng lĩnh Quân khu 9, nếu có vấn đề gì thì “tao sẽ quay lại”. Nhưng đó đã là câu chuyện của gần 10 năm trước.
Hiện tại, ông Ba Dũng đã 75 tuổi, và không phải là kẻ có “tham vọng quyền lực” cao, cho nên, khó có khả năng cựu Thủ tướng Dũng trở lại chính trường một lần nữa.
Một số ý kiến cho rằng, đứng sau “kế hoạch đảo chính mềm” của Bộ trưởng Công an Tô Lâm trước đây, hay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hiện nay, hình như có “bóng dáng” của cựu Thủ tướng Dũng. Đây được cho là một thông điệp cho thấy, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục đi theo con đường cải cách mà ông Dũng đã bỏ dở sau Đại hội 12.
Trà My – Thoibao.de