Ngày 16/8, BBC Tiếng Việt bình luận về “Việt Nam trong quỹ đạo Đảng trị và Công an trị”.
BBC nhận xét, việc ông Tô Lâm thăng tiến từ Bộ trưởng Công an, lên Chủ tịch nước, rồi trở thành Tổng Bí thư Đảng, làm gia tăng lo ngại về một nền công an trị.
BBC dẫn nhận định của Giáo sư Zachary Abuza, từ Mỹ, rằng, thời còn làm Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm đã sử dụng chiến dịch chống tham nhũng làm vũ khí, để lần lượt hạ gục các đối thủ cạnh tranh vị trí kế nhiệm Tổng Trọng.
BBC cho rằng, dù đã ở vị trí cao nhất, ông Tô Lâm vẫn duy trì ảnh hưởng trực tiếp tại Bộ Công an.
Việc ông Lương Tam Quang được thăng chức Bộ trưởng Công an, được xem là sự bảo đảm rằng, ông Lâm vẫn ảnh hưởng đối với Bộ này, nơi ông là lãnh đạo lâu năm.
Theo BBC, quyền lực của Bộ Công an không ngừng gia tăng, khi nhiều nhân sự cấp cao từ Bộ này đã thăng tiến lên các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Đảng, như Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
BBC dẫn đánh giá của ông Ben Swanton – đồng Giám đốc Dự án 88, cho rằng:
“Với việc ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước, Việt Nam đã trở thành một nhà nước công an trị.”
BBC dẫn nhận định của ông David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á, rằng, ở một mức độ nào đó, Việt Nam đã là một nhà nước công an trị. Theo ông Hutt, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra sự gắn bó giữa khu vực tư nhân với Đảng, và từ đó hình thành mối quan hệ cộng sinh.
“Theo kế hoạch của ông Dũng, các doanh nhân cần đến Đảng để tiếp cận được đất đai, có được hợp đồng và giành được những quyết định có lợi từ tòa án.”
“Nói cách khác, tham nhũng sẽ là phương tiện để hạn chế khu vực tư nhân và trao quyền cho Đảng.”
Ông David Hutt nhận xét, sau khi ông Dũng xin rút vào năm 2016, thì quyền lực của Tổng Trọng ngày càng gia tăng. Ông Trọng “hứa loại bỏ tham nhũng và nâng cao danh tiếng của Đảng trong mắt công chúng”, nhưng “chiến dịch đốt lò của ông đã tiếp thêm sinh lực cho các “nhà lãnh đạo thuộc lực lượng vũ trang’”.
Ông Hutt đánh giá, các nhà lãnh đạo nhận thấy, công chúng Việt Nam rất thích thú khi chứng kiến các quan chức tham nhũng bị trừng trị.
“Vì vậy, cách duy nhất để Đảng tồn tại là liên tục hi sinh quan chức trong lò lửa hồng, với hi vọng, điều này sẽ tạo nên lòng trung thành trong nội bộ Đảng giữa Trung ương với các địa phương, và giữa Đảng với bộ máy chính quyền.”
“Giờ đây, Đảng chỉ tồn tại bằng cách tự tiêu diệt chính mình, điều này rất nguy hiểm, trừ khi có công an và quân đội nắm quyền” – ông Hutt nhấn mạnh.
BBC nhận định, từ chỗ là một công cụ của Đảng, Bộ Công an giờ đây đang ngày càng phình to.
BBC dẫn lời bà Elaine Pearson, Giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, từ Mỹ, cũng cho rằng, Việt Nam đã là một quốc gia công an trị về nhiều mặt.
Theo bà, việc ông Tô Lâm lên nắm quyền là biểu hiện của sự đàn áp ngày càng tồi tệ của Chính phủ Việt Nam, hoàn toàn không khoan nhượng với những lời chỉ trích và thể hiện thái độ thù địch cao độ đối với các quyền dân sự và chính trị cơ bản.
Bà Pearson thống kê, hiện nay có hơn 160 người đang bị cầm tù ở Việt Nam, vì phê phán chính quyền, kể cả trên mạng xã hội; và chính quyền ngày càng nhắm tới các nhà hoạt động môi trường. Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về bỏ tù nhà báo.
“Dưới thời ông Lâm, cơ quan an ninh đầy quyền lực của Việt Nam đã gần như xóa sổ phong trào nhân quyền non trẻ của đất nước.”
“Chính quyền có khả năng sẽ tiếp tục đàn áp những người phê phán, nhà báo và nhà hoạt động ôn hòa, trừ khi có áp lực để Việt Nam thay đổi đường hướng” bà Pearson lí giải.
Minh Vũ – thoibao.de