Chuyến đi “chầu” của Tô Lâm, có phải lành ít dữ nhiều?

Ngay sau khi lên chức Tổng Bí thư, Tô Lâm đã thực hiện chuyến đi công du đầu tiên trên cương vị mới, chuyến đi mà người dân quen gọi là “đi chầu thiên triều”.

Cũng giống các Tổng Bí thư trước, muốn yên vị thì phải thực hiện “nghĩa vụ” bề tôi với thiên triều? Dù chính quyền có tìm mọi cách để tô đẹp chuyến đi, theo một ý nghĩa cao cả nào đấy, nhưng người dân thì chỉ nhìn vào bản chất của vấn đề.

Báo chí nhà nước Việt Nam cho biết, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm sang thăm chính thức. Ngôn ngữ nhà nước Việt Nam thể hiện, có vẻ như, Tập mong mỏi gặp Tô Lâm lắm. Tuy nhiên, nếu thật sự Tập Cận Bình muốn gặp Tô Lâm, thì ông nên đề nghị sang thăm Việt Nam, chứ sao lại gọi Tô Lâm sang Bắc Kinh? Vậy nên, người dân gọi là “đi chầu” thì cũng không oan cho Tô Tổng.

Không biết vì lý do gì, ông Tô Lâm lại ghé Quảng Đông một ngày, rồi mới đến Bắc Kinh. Liệu có phải là Tập Cận Bình thay đổi lịch của cuộc gặp hay không? Nếu như thế, thì đây là hành động xem thường Tô Lâm ra mặt.

Đến Trung Quốc diện kiến “Hoàng đế thiên triều” là một việc hệ trọng đối với Tô Lâm, có thể còn liên quan đến sinh mạng chính trị của ông. Ông Tô Lâm phải cố mà làm hài lòng ông Tập, thì mới có thể “mua” được mối quan hệ với thiên triều. Với ông Tập, thái độ và việc làm của ông Nguyễn Phú Trọng là tiêu chuẩn, ít nhất, Tô Lâm phải làm được như thế, hoặc tốt hơn, thì may ra mới nhận được sự “bảo kê” của “Hoàng đế thiên triều”.

Chính trường Việt Nam những tháng qua đã thực sự trải qua một “cuộc đảo chính” ngầm. Ông Trọng là người mà ông Tập ưng ý. Tuy nhiên, hậu Nguyễn Phú Trọng, Tập Cận Bình chọn ai thì vẫn đang là một bí ẩn chưa có lời giải đáp. Có vẻ như, ông Tập không chọn Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, ông có chọn Tô Lâm hay không, thì cần thời gian để kiểm chứng.

Tô Lâm là con ngựa bất kham, đã làm được những điều mà hầu hết đệ tử của ông Trọng không làm được. Tuy nhiên, với việc nhanh nhảu sang Bắc Kinh ngay khi mới lên Tổng Bí thư, thì điều đó cho thấy, Tô Lâm cũng muốn “thần phục” như ông Trọng, chứ chẳng phải là kẻ “bướng bỉnh” như cách ông đã làm với ông Trọng.

Để thu phục được một con ngựa bất kham, thì người chủ phải có cách để thuần phục con ngựa ấy. Tô Lâm có thể được ví như một con ngựa bất kham nhưng thiện chiến. Nếu thuần phục được con ngựa này, Tập sẽ có được nhiều lợi thế trong việc kiềm chế và kiểm soát Việt Nam. Còn nhiệm vụ của Tô Lâm là phải “hiểu ý” Tập Cận Bình, xem ra là việc “trong tầm tay” của Tô Lâm.

Có lẽ, để điều khiển được Tô Lâm thì sẽ khó hơn so với ông Trọng, nhưng Tô Lâm dùng vũ lực tốt hơn ông Trọng, và đã khiến cho toàn Đảng Cộng sản Việt Nam phải khiếp sợ, cũng như, ông có đủ công cụ để điều khiển được cả Bộ Chính trị. Một người như thế, nếu ông Tập không chọn, thì có thể chọn ai tốt hơn?

Đã là ngựa chiến thì phải tốn công tốn sức để “thuần hóa”, một khi đã thuần hóa được, thì sẽ rất hữu dụng. Tập Cận Bình chỉ sợ Tô Lâm không vâng lệnh, còn Tô Lâm lại nhanh nhảu xin “chầu sớm”, thì xem như, “ngựa hoang” này đã tự ý thần phục.

Từ vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm đã cho thấy sức tàn phá của ông đối với đất nước, bằng cách đem lại cho người dân và nhà đầu tư nước ngoài cảm giác bất an, vì tính vô pháp của chính quyền.

Nhà đầu tư từ các nước phát triển tháo chạy, nhưng Việt Nam lại trở thành mảnh đất màu mỡ, để doanh nghiệp Trung Quốc mượn đường xuất khẩu hàng hóa sang các cường quốc.

Với sự cai trị của Tô Lâm, có thể nói, những luật pháp được mang từ Trung Quốc về Việt Nam, sẽ dễ dàng được áp dụng hơn. Những chính sách có lợi cho Trung Quốc dễ dàng thực hiện hơn, bởi Tô Lâm biết cách bịt miệng dân để thực hiện ý đồ của “thiên triều”.

Tóm lại, Tô Lâm là lựa chọn không tồi cho Tập Cận Bình. Chuyến đi lần này, xem ra sẽ đem lại thành công cho Tô Lâm.

Thái Hà – Thoibao.de