“Tâng bốc” Ba Dũng là “nhân cách lớn”, vì sao Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng bị “ném đá”?

Mới đây, trang Facebook cá nhân của ông Nguyễn Sỹ Dũng có đăng một dòng trạng thái ngắn, với nội dung:

“Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một nhân cách lớn. Tôi vinh dự đã từng là chuyên gia tư vấn cho ông.”

Sau dòng trạng thái này, trang nhà của ông Nguyễn Sỹ Dũng bị “ném đá”, khiến ông phải khoá chức năng bình luận.

Điều này cho thấy, nhận xét của ông Nguyễn Sỹ Dũng đã đi ngược quan điểm của nhiều người, ít nhất là những người có theo dõi tình hình chính trị Việt Nam.

Chuyện ông Nguyễn Sỹ Dũng ngưỡng mộ ai, đấy là việc của cá nhân ông, ông có thể bày tỏ mang tính riêng tư. Tuy nhiên, khi diễn đạt rằng “Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhân cách lớn”, thì dường như, ông đã tự ý đánh giá thay cho người khác.

Có thể, ông Nguyễn Sỹ Dũng có tình cảm riêng với ông Nguyễn Tấn Dũng, nên đưa ra đánh giá như thế. Nhưng với người dân Việt Nam, thì tất cả những việc ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng làm, những quyền lợi hay thiệt hại mà ông mang lại cho quốc gia, mới là thước đo nhân cách của ông.

Còn nhớ, ngày 27/6/2006, phát biểu khi nhậm chức Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng nói:

“Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay.”

Thế nhưng sau đó, hàng loạt vụ sát nhập các tập đoàn nhà nước, để tạo những “quả đấm thép” đều thất bại, vì duy ý chí và tham nhũng. Vậy mà ông Nguyễn Tấn Dũng có từ chức đâu? Một người như vậy làm sao có thể coi là một “nhân cách lớn”?

Sau đó, trong một sự kiện chưa từng có tại Quốc hội độc đảng của Việt Nam, sáng 14/11/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị Đại biểu Quốc hội công khai đề cập tới việc từ chức, vì trách nhiệm điều hành kinh tế yếu kém.

Cụ thể, Đại biểu Quốc hội khoá 12 Dương Trung Quốc, lúc đó đã phát biểu:

“Dư luận cho rằng, Thủ Tướng đặt nặng trách nhiệm trước Đảng, mà xem nhẹ trách nhiệm trước dân. Thủ tướng có nghĩ đến việc khởi đầu cho văn hóa từ chức hay không, trước những hạn chế, yếu kém trong điều hành, quản lý, mà Thủ tướng đã nhận lỗi trước Đảng, Quốc hội và nhân dân.”

Trả lời thẳng vào lời kêu gọi từ chức của ông Dương Trung Quốc, ông Nguyễn Tấn Dũng đáp:

“Tôi không chạy, không có xin, không thoái thác, từ chối nhiệm vụ nào Đảng phân công.”

“Chính phủ và Quốc hội cũng đã chấp thuận, và tôi là người chấp hành.”

Như vậy, Thủ tướng Dũng xác định tiếp tục chức vụ Thủ tướng, vì Đảng phân công.

Một “nhân cách lớn” mà lại tìm cách chạy tội trước Quốc hội như vậy sao? Với việc ông đã khiến cho nền kinh tế nát như tương, nợ công tăng quá cao và quá nhanh, thì có thể nói, từ chức là quá nhẹ với ông. Nhưng ông vẫn bám vào lý do tại Đảng phân công, để thoái thác trách nhiệm.

Với cách ứng xử như vậy, phải nói, ông là người “lươn lẹo” thì đúng hơn là “nhân cách lớn”.

Có thể nói, sau 2 nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng, tình trạng tham nhũng đã trở nên trầm trọng hơn. Dưới thời ông, hiện tượng vẽ dự án để xà xẻo trở nên phổ biến hơn, kinh khủng hơn. Ngoài những dự án thua lỗ hàng tỷ đô do những “quả đấm thép” gây ra, thì các địa phương cũng thi nhau bày ra việc xây cổng chào trăm tỷ, xây tượng đài nghìn tỷ, để rút ruột ngân sách.

Tuy không công khai trắng trợn như ngày nay, nhưng cặp đấu Nguyễn Tấn Dũng – Nguyễn Phú Trọng, đã được xem là cặp đấu “huyền thoại” trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng đều đại diện cho 2 phe, đánh nhau suốt một thời gian dài không biết mệt mỏi. Đấy là dấu chỉ cho thấy, chủ nghĩa bè phái bắt đầu nổi lên, và nó đã trở thành kiểu mẫu cho các bè phái sau này noi theo.

Có thể nói, ông Nguyễn Sỹ Dũng bị cộng đồng mạng “ném đá” thì không oan. Bởi với dân, ông Nguyễn Tấn Dũng không thể là người có “nhân cách lớn”, mà ông chính là tội đồ.

 

Trần Chương – Thoibao.de