Ngày 18/8, BBC Tiếng Việt có bài bình luận: “Vì sao ông Tô Lâm nhanh chóng thăm Trung Quốc ngay sau khi làm Tổng Bí thư?”.
Theo đó, BBC cho biết, sáng 18/8, tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao đã tới Quảng Đông, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.
BBC cũng cho hay, thông thường, một chuyến thăm cấp nhà nước tiêu tốn thời gian lên đến vài tháng cho công tác chuẩn bị. Trước đây, Tổng Trọng và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên thường, là sau khi nhậm chức khoảng 4 đến 9 tháng. Trong khi đó, chỉ hai tuần sau khi được bổ nhiệm, Tô Tổng đã thăm Trung Quốc.
Với chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, từ ngày 18 đến 20/8, ông Tô Lâm đã nối bước ông Trọng, chọn Trung Quốc đầu tiên.
BBC dẫn lời Giáo sư Alexander L Vuving, từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, nhận định:
“Điều này dẫn chúng ta đến một quy tắc bất thành văn trong nghi thức đối ngoại của Việt Nam: Lãnh đạo cao nhất của Việt Nam nên đến Trung Quốc trước khi đến Hoa Kỳ”.
Vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc của ông Tô Lâm, là phù hợp với quy tắc bất thành văn nói trên, khi sau đó, ông Tô Lâm sẽ tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9, với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam, và sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của ông Tô Lâm với Tổng thống Mỹ, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam. Do đó, chuyến đi Trung Quốc của ông Tô Lâm vào tháng 8 này, là để trấn an Bắc Kinh, về bất kỳ bước tiến triển nào trong quan hệ Việt – Mỹ”, ông Vuving nhận xét.
BBC cho biết, với việc nắm giữ cùng lúc hai chức danh then chốt là Chủ tịch nước và Tổng Bí thư, ông Tô Lâm được coi là “đồng cấp” với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và việc 2 lãnh đạo đồng cấp sớm gặp nhau, được đánh giá là bước quan trọng, trong việc xây dựng mối quan hệ cá nhân 2 ông cũng như phát triển quan hệ 2 nước.
Theo BBC, báo chí Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho biết, trong chuyến thăm này, 2 nước đều kỳ vọng sẽ đạt thành quả trên một số phương diện, trong đó có tiếp nối và phát huy xu thế phát triển của quan hệ Việt – Trung.
Việt Nam – Trung Quốc cũng sẽ cùng xử lý thỏa đáng những vấn đề tồn tại, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến đà phát triển quan hệ 2 đảng, 2 nước.
BBC dẫn nguồn tin quốc tế, nói rằng, ngay trước khi Việt Nam chuẩn bị có cuộc diễn tập chung trên biển với Philippines, vào ngày 9/8, trong chưa đầy một tuần, một máy bay không người lái UAV được xác định là loại WZ-10 của Trung Quốc, đã bay gần bờ biển Việt Nam, lần lượt vào ngày 2/8 và 7/8.
Trong quan hệ Việt – Trung, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, là một trong những vấn đề bất đồng nhất giữa 2 nước, khi Trung Quốc thực hiện chiến thuật vùng xám để củng cố yêu sách “đường lưỡi bò” của mình.
BBC cũng cho biết, trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại 2 nước đạt 171,9 tỷ USD. Thương mại 6 tháng đầu năm tăng 24,1%.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 64% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
BBC dẫn lời ông Vũ Khang, nghiên cứu sinh tiến sĩ, tại Khoa Chính trị học của Trường Đại học Boston, từ Mỹ, nhận định, chuyến đi của ông Tô Lâm đến Trung Quốc cho thấy Hà Nội luôn ưu tiên Bắc Kinh, trong hệ thống cấp bậc ngoại giao, dù có nâng cấp lên Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.
Theo ông Khang, Việt Nam khác với Mỹ về ý thức hệ, còn Trung Quốc thì không, nên Trung Quốc có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội, và duy trì ổn định chính trị. Những yếu tố đó phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, trong việc bảo vệ biên giới phía nam của mình.
Thu Phương – thoibao.de