Ngày 23/8, RFA Tiếng Việt nêu vấn đề “An ninh mạng ở 63 tỉnh, thành: Gia tăng đàn áp?”.
Theo đó, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, mới đây đã nói trước Quốc hội Việt Nam rằng, Bộ này đã bố trí lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao ở công an 63 tỉnh, thành. Mục đích là tăng cường phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo RFA, một số nhà hoạt động nhân quyền trong và ngoài nước bày tỏ quan ngại, đây là động thái tăng cường đàn áp tự do bày tỏ ý kiến của người dân trên mạng.
RFA dẫn nhận xét của ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, cho rằng:
“Trên thực tế thì Bộ Công an đã thành lập phòng an ninh mạng ở các tỉnh thành từ nhiều năm nay, với phòng PA05. Việc đàn áp quyền tự do ngôn luận bằng lực lượng an ninh mạng, thì là điều chắc chắn rồi.”
RFA cho biết, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp và chủ yếu vẫn dựa vào xuất khẩu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI.
Các vụ án tham nhũng lớn thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng theo dõi, đã đưa ra xét xử thời gian qua, kéo theo nhiều quan chức cấp cao phải vào tù, hoặc mất chức, như các vụ án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vụ án Việt Á…
Tất cả những điều này khiến công chúng Việt Nam bàn tán và có nhiều ý kiến trái chiều với Đảng.
RFA dẫn lời luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, từ Đức, cho hay:
“Chỉ riêng từ tháng 6/2024 đến nay, tôi đã bị xóa đến 10 kênh YouTube. Mỗi lần tôi lập kênh YouTube mới, là tôi lập 2 đến 3 kênh để dự phòng, nhưng sau đó họ xóa liên tục, đến bây giờ phải mượn một kênh của bạn bè để sử dụng. Còn trên Facebook, ngày nào cũng bị chặn các video hay bài viết, họ nói là theo yêu cầu của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam, vì những video hay bài viết này không được xuất hiện ở Việt Nam, chuyện đó xảy ra gần như hàng ngày.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, chính quyền Việt Nam rất sợ tự do ngôn luận với mục đích thay đổi đất nước, chuyển đổi từ một thể chế độc tài độc đảng, sang một chế độ dân chủ.
RFA nhắc lại, Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm 2019, và được Chính phủ khẳng định, là để đảm bảo môi trường mạng an toàn hơn cho người dùng. Các nhà hoạt động xã hội và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã chỉ ra rằng, Luật này không phát huy được tính hiệu quả bảo vệ an toàn mạng, mà thường được dùng để đàn áp những tiếng nói bị cho là bất đồng quan điểm với Đảng và Nhà nước.
RFA cũng nhắc đến quyết định của Bộ Quốc phòng vào năm 2018, về việc thành lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng, với nhiệm vụ được nói là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Lực lượng này còn được gọi là lực lượng 47, với 10.000 người.
RFA cũng cho biết, theo Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF, Lực lượng này chống lại những tiếng nói dân chủ, và những người bị cho là chống đối Chính phủ.
RFA dẫn số liệu của Bộ Công an, cho hay, số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng, trong năm 2023 tăng gấp rưỡi so với năm 2022, tức là, tăng từ 8.000 lên 10.000 tỷ đồng. Các vụ án đã bị khởi tố vì tội lừa đảo trên không gian mạng lên đến 1.500 vụ.
Ông Trần Anh Quân cho rằng:
“Dù lực lượng an ninh mạng được thành lập bấy lâu nay, nhưng tội phạm trên mạng vẫn càng ngày càng tăng cao, chứ không thấy giảm. Người dân vẫn thường xuyên bị lừa khi bấm vào các link lạ, rồi bị mất toàn bộ tài sản, hoặc dính vào các đường dây cờ bạc trên mạng.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài thì bày tỏ lo ngại, về tình trạng đàn áp mạng sẽ gia tăng trong thời gian tới:
“Với chính sách đàn áp như vậy, thì sẽ càng ngày càng khó khăn hơn cho người dân ở trong nước, khi họ muốn lên án, phê bình, hay bày tỏ những bức xúc trong cuộc sống, chứ không phải là chống đối chế độ.”
Hoàng Anh – thoibao.de