Ngày 27/8, blogger Gió Bấc bình luận “Chủ tịch nước Lương Cường: “Bao giờ cho đến tháng mười”?”, trên blog của RFA Tiếng Việt.
Tác giả cho biết, ngày 26/8, Quốc hội công bố, sẽ bầu Chủ tịch nước trong kỳ họp tháng 10 sắp tới. Dư luận trong ngoài nước đồn đoán, Đại tướng Lương Cường sẽ đảm nhận chức danh này.
Nhìn chung, ông Lương Cường đủ tiêu chuẩn để ngồi vào chiếc ghế nguyên thủ quốc gia này. Nhưng trong thể chế một đảng nhiều phe nhóm, dưới triều đại của Tô Tổng, thì sẽ không có nguyên tắc, không cần tiền lệ.
Tác giả cho hay, sau khi Tổng Trọng qua đời, ông Tô Lâm tái lập tình thế một đít 2 ghế, hiên ngang đi Tàu, tay bắt mặt mừng, bằng vai phải lứa với Tổng Chủ Tập Cận Bình.
Báo đài, chuyên gia quốc tế xôn xao bàn luận, dự đoán: “Việc ông Tô Lâm vừa là Chủ tịch nước, vừa là Tổng Bí thư, có thể là sự sắp xếp của Bộ Chính trị, để ông có vị thế ngang hàng, đồng cấp với ông Tập, khi đi thăm Trung Quốc”.
Tác giả nhắc lại, chiều 26/8, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa 15, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ kiện toàn chức danh Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024, theo Nghị quyết của Trung ương.
Dư luận xôn xao nhắm vào Đại tướng Lương Cường.
Tác giả lưu ý, về lý thuyết, ông Lương Cường có nhiều cơ hội trở thành Tổng Bí thư. Có nhiều tin đồn cho rằng, quân đội đang gây sức ép để thanh tra Tập đoàn Xuân Cầu do em trai của ông Tô Lâm làm chủ.
Đúng là theo luật, quân đội có cơ quan điều tra, truy tố, tòa án quân sự độc lập, nhưng tất cả những yếu tố này đều nằm trong quyền quyết định của Bộ Chính trị, mà hiện nay, tổ chức này chỉ gồm những người thân cận, hoặc là con tin của Tô Tổng Chủ.
Tác giả nhận định, về thế lực, tiếng nói quân đội trong Đảng xưa nay vốn là vô đối, do vai trò quan trọng và sự đóng góp của quân đội trong chiến tranh. Thế nhưng, trong thời bình, chủ trương quân đội làm kinh tế đã xói mòn sức mạnh đó. Tướng lĩnh, thậm chí, thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào tù đông như lợn con.
Dư luận về sân sau Xuân Cầu của gia đình Tô Tổng Chủ đã bung bét từ nhiều tháng qua, nhưng chẳng thấy động binh. Có lẽ, đó là chiêu ném đá dò đường qua sông của ai đó, nhưng đá nhỏ, sông lớn, lực ném quá yếu, nên đá chìm lỉm, không gây chút sóng.
Ngược lại, theo tác giả, một sự kiện chấn động nhưng ít người chú ý, đó là, chiều 21/8, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra số 1349 của Bộ Chính trị, đã triển khai kiểm tra đối với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương. Như vậy, cơ quan đầu não của Đảng kiểm tra cơ quan đầu não của quân đội – một sự kiện hết sức nghiêm trọng.
Tác giả nhấn mạnh, càng nghiêm trọng hơn là, cách thức và thành phần vai vế của các bên liên quan. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
Trưởng đoàn kiểm tra là Trần Cẩm Tú – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thời gian kiểm tra là 60 ngày, suýt soát với thời điểm diễn ra kỳ họp Quốc hội kiện toàn chức danh Chủ tịch nước. Trong 60 ngày ấy, liệu ông Tú có tìm ra thanh củi to nào để lập công với Tổng Chủ Tô Lâm?
Ông Lương Cường hẳn đang thắc thỏm với câu hỏi “Bao giờ cho đến tháng mười”?!
Tác giả cho rằng, phân tích sự kiện để thấy rõ hơn, cuộc chém giết mang tên chống tham nhũng, đốt lò, thực chất chỉ là đấu đá, tranh giành quyền lực. Lương Cường hay bất cứ quan chức nào bị ngã ngựa cũng đều xứng đáng không oan ức. Đáng tiếc là, bên thắng cuộc cũng không phải người sạch sẽ, chỉ đơn giản là kẻ mạnh hơn. Dân chúng không có phần, thậm chí càng nghèo khổ hơn dưới sự cai trị của thể chế độc tài, bất tài, tham ác.
Xuân Hưng – thoibao.de