Ngày 4/9, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Nếu Việt Nam thực sự muốn phát triển”, của Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng.
Tác giả nhắc đến đề xuất từ bỏ “Ngoại giao cây tre”, của nhà nghiên cứu lịch sử Đinh Kim Phúc, trong phóng sự “Đại hội 14: Khởi điểm lịch sử mới sau 40 năm đổi mới” của RFA.
Theo đó, ông Phúc khẳng định, đây là hình thức ngoại giao cổ điển của Thái Lan. Trước sức ép của 2 siêu cường, là đế quốc Anh và thực dân Pháp, vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nên Thái Lan đã buộc phải “uốn theo chiều gió”.
Tác giả cho biết, cùng lúc với tuyên bố của ông Phúc, là bức thư ngỏ của cụ Nguyễn Đình Bin, 80 tuổi đời, 62 tuổi Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 8, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao.
Ông Bin khẳng định, tình hình Đảng và đất nước đã và đang tiếp tục diễn biến ngày càng tồi tệ, tới mức thực sự nghiêm trọng, chưa từng xảy ra bao giờ.
Theo tác giả, ông Bin đã đưa ra lời kêu gọi nhân ngày Quốc khánh 2/9, rằng:
“Mọi điều kiện chủ quan và khách quan, đối nội và đối ngoại, đã quá chín muồi, để Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định thực hiện cuộc cách mạng trọng đại và cấp bách về tư tưởng! Thời cơ lịch sử – vận Nước cũng như vận Đảng – đang đến! Phải quyết nắm lấy! Không được bỏ lỡ!”
Tác giả nhận thấy, trong các buổi lễ long trọng gần đây, Đại tướng Tô Lâm không còn nhắc đến “ngoại giao cây tre”.
Tác giả đặt vấn đề: Chẳng lẽ chúng ta tiếp tục an phận, đi con đường ngược lại dòng chủ lưu của lịch sử, một con đường rõ ràng đã đẩy Đất nước, và Đảng lãnh đạo vào tình thế nguy hiểm, đáng báo động như hiện nay hay sao?
Tác giả nhận định, mô thức dân chủ hóa rất phổ biến trên thế giới, là dân chủ hóa từ “Thế yếu”, tức là, chế độ độc tài yếu đi do mất lòng tin, kinh tế sa sút, tham nhũng tràn lan, đòi hỏi dân chủ tăng lên… và dân chủ hóa dẫn chế độ đương nhiệm đến “Sụp đổ”.
Tác giả lý giải, nguyên nhân một quốc gia lẩn tránh quá trình dân chủ hoá, chủ yếu là do thiếu 2 yếu tố: sự tự tin vào khả năng chiến thắng và sự ổn định; cũng như do hiểu sai hoặc không nắm bắt đúng 4 loại tín hiệu quan trọng: bầu cử, bất ổn, kinh tế và địa – chính trị, đặc biệt là mức độ của các tín hiệu này.
Ngược lại, những quốc gia thành công trong việc dân chủ hóa đã hội đủ sự tự tin và nắm bắt chính xác 4 loại tín hiệu này. Điều cơ bản nhất là, các tín hiệu này đã giúp xua tan 2 ảo tưởng: đàn áp là giải pháp toàn diện, hoặc dân chủ hóa sẽ là thảm họa cho chế độ hiện tại.
Tác giả nhận xét, Việt Nam thì dù đã có các tín hiệu ấy, nhưng có lẽ vẫn đang bị cắt nghĩa sai lệch.
Mọi chế độ độc đoán đều có một “cửa sổ cơ hội” cho dân chủ hóa từ thế mạnh, tại gần đỉnh cao sức mạnh của nó, nếu ban lãnh đạo tự tin quyết định dân chủ hóa trong “cửa sổ cơ hội” ấy, họ sẽ thành công.
Tác giả cho rằng, nếu chần chừ hay cố bám lấy chế độ độc tài, giới lãnh đạo sẽ bỏ lỡ cơ hội. Khi khả năng dân chủ hóa từ thế mạnh không còn nữa, và chỉ có thể dân chủ hóa từ thế yếu, sẽ hoàn toàn không tốt cho bản thân họ. Vì lúc đó, họ có thể thất bại thảm hại, và bị lịch sử nguyền rủa, đồng thời đem lại bất hạnh cho quốc gia – dân tộc. Việt Nam vẫn đang trong “cửa sổ cơ hội” đó, nhưng không kéo dài mãi, chần chừ là mất cơ hội ngàn năm có một!
Tác giả gửi lời nhắn nhủ đến Tổng Bí thư Tô Lâm, lưu ý ông cần có sự tự tin cần thiết để giành chiến thắng và giữ vững ổn định. Hiện tại của Việt Nam đang hội đủ tất cả các tín hiệu cần thiết, và những tín hiệu ấy đều đi theo chiều hướng khả quan. Hy vọng, Tô Đại tướng sẽ không hiểu sai những tín hiệu ấy!
Minh Vũ – thoibao.de