Tô và Đảng cố giãy giụa vẫn không tài nào thoát khỏi lưỡi câu của Tập!

Việc báo chí rút bài hàng loạt đối với vụ VNG bị điều tra, cho thấy, thế lực Bắc Kinh còn chi phối rất mạnh đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, từ thượng tầng đến cơ sở. Mới chỉ là một doanh nghiệp, mà cũng đã khiến cho bộ máy công an và tuyên giáo đá nhau đôm đốp.

VNG là Công ty có cổ phần của 2 nhà đầu tư lớn từ Trung Quốc. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam độc lập về chính trị, thì bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cũng đều phải chấp nhận luật pháp Việt Nam, không có ngoại lệ. Vậy mà, chỉ một công ty có cổ phần của các tập đoàn công nghệ Tàu, đã khiến cho Ban Tuyên giáo phải vội vã chỉ thị cho báo chí gỡ bài.

Những ngày gần đây, nhóm quân đội đang có những chuyến thăm không hợp với mong đợi của Bắc Kinh. Thêm vào đó, tờ báo The New York Times vừa mới được phép mở cơ quan thường trú tại Việt Nam, đã khiến xuất hiện chiều hướng bình luận lạc quan, rằng, Đảng đang muốn rời xa quỹ đạo của Trung Quốc, và xích lại gần hơn với Mỹ.

Năm 1990, nhóm Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng, đã có cuộc gặp kín với các đồng cấp phía Trung Quốc, tại Thành Đô – Trung Quốc. Đây là cột mốc đánh dấu sự lệ thuộc của chính trị Việt Nam vào Bắc Kinh, và khiến các lãnh đạo đời sau cứ trượt dài theo lối mòn này. Từ đó, cứ mỗi khi Tổng Bí thư Trung Quốc đắc cử, thì Tổng Bí thư Việt Nam phải sang “triều bái”. Đồng thời, khi Tổng Bí thư Việt Nam mới lên ngôi, cũng phải sang Bắc Kinh.

Như luật bất thành văn, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam phải sang Bắc Kinh “đảnh lễ” trước, mới mời được thiên triều sang thăm Việt Nam.

Chỉ cần nhìn vào những quy định bất thành văn như thế, thì cũng đủ hiểu, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa thể nào thoát khỏi thòng lọng của Bắc Kinh.

Hiện Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đang thăm Mỹ, tuy nhiên, đây không phải lần đầu quan chức Việt Nam sang Mỹ. Sau năm 1990, dù Việt Nam đã bị Trung Quốc tròng “thòng lọng” vào cổ, thì họ vẫn để Hà Nội bắt tay với Mỹ. Năm 1994, Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. 1995, Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Việt Nam. Rồi đến năm 2015, Tổng thống Barack Obama ký bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam v.v…

Dù chậm chạp, quan hệ Việt – Mỹ vẫn nhích lên từng bước, chứ không lùi. Tuy nhiên, người dân Việt Nam muốn Đảng gần Mỹ hơn, như Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Người Việt hy vọng nhà cầm quyền dám mua vũ khí hiện đại của Mỹ, mà không sợ bị Bắc Kinh hăm dọa. Thậm chí, dám cho Mỹ thuê căn cứ quân sự như Hàn Quốc và Nhật Bản, để Việt Nam có tiếng nói mạnh hơn trước Trung Quốc. Tuy nhiên, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, là lằn ranh mà Trung Quốc ngầm định và cảnh cáo. Chắc chắn, Đảng Cộng sản Việt Nam không dám bạo gan đến thế.

Có thể nói, Đảng Cộng sản Việt Nam đang được “tự do”, trong khuôn khổ mà Bắc Kinh cho phép. Và người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phải có nghĩa vụ thực hiện những sứ mệnh, giống như bề tôi trung thành với thiên triều.

Cho nên, để Việt Nam có được bước tiến lớn gần hơn với Mỹ, như những quốc gia dân chủ ở khu vực Đông Á, là điều không thể. Một khi, Đảng vẫn đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi quốc gia, thì Đảng không bao giờ dám “bạo gan” tỏ thái độ cứng rắn trước Bắc Kinh.

Con cá bị cắn câu có thể bơi trong bể, nhưng bị giới hạn, không thể vượt quá chiều dài của sợi dây. Nếu không, lưỡi câu sẽ xé toạc miệng nó, hoặc nó có thể bị chủ giật dây câu, kéo lên bờ làm “thịt”.

Cho nên, ước mơ về một đảng cầm quyền gần Mỹ, buông Tàu, mãi chỉ là một giấc mơ xa vời, nếu Đảng Cộng sản vẫn còn nắm quyền cai trị trên đất nước này.

 

Trần Chương – Thoibao.de