Khi ông Nguyễn Phú Trọng còn sống, ông Nguyễn Tấn Dũng đã “lặn mất tăm” suốt một thời gian dài. Sau Đại hội 12, năm 2016, với câu nói “về làm người tử tế” nổi tiếng, ông Dũng không còn xuất hiện thường xuyên trong các sự kiện của chính quyền, như ông Trương Tấn Sang. Thời gian này cũng ghi nhận, số phận của Nguyễn Thanh Nghị gặp nhiều sóng gió.
Lẽ ra, ông Nghị có thể lên Bộ trưởng Bộ Xây dựng từ Đại hội 12, nếu ông Dũng không thua trước ông Trọng. Từ vị trí Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc, ông Ba Dũng đưa người con đầu của ông về Bộ Xây dựng, nắm chức Thứ trưởng, ngay trước Đại hội 12. Đây là bước đệm để Nguyễn Thanh Nghị lên Bộ trưởng, vì lúc đó, Nghị đang là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, và chắc chắn xuất Uỷ viên chính thức tại Đại hội 12. Mà một khi đã là Ủy viên chính thức, thì ghế của ông Nghị phải là Bộ trưởng, chứ không phải Thứ trưởng.
Thế rồi ông Dũng thua cuộc, buộc phải về “làm người tử tế”. Vì thế, ông Ba Dũng cũng vận động để Nguyễn Thanh Nghị về làm Bí thư ở tỉnh nhà Kiên Giang. Bởi Trung ương có quá nhiều cạm bẫy, Nguyễn Thanh Nghị còn non trẻ, khó trụ vững, về Kiên Giang làm quan đầu tỉnh chờ thời, lại an toàn hơn. Nếu ông Dũng không kịp kéo ông Nghị về Kiên Giang, trước khi ông Dũng về hưu, thì rất có thể, Nghị đã ngã ngựa sớm.
Nguyễn Thanh Nghị “trú ẩn” tại Kiên Giang được một thời gian, thì bị vướng vào vụ đất đai Phú Quốc, năm 2020. Xem ra lúc đó, ông Trọng không muốn để Nguyễn Thanh Nghị yên thân. Vụ đất đai ở Phú Quốc có nguy cơ đẩy Nguyễn Thanh Nghị rớt khỏi vũ đài chính trị, như Nguyễn Xuân Anh đã từng bị, khi đương chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Nghị chỉ bị kỷ luật nhẹ, nguyên nhân được cho là lính của Tô Lâm đã nhẹ tay, trong việc điều tra sai phạm của Nguyễn Thanh Nghị. Được biết, hầu hết những sai phạm của quan chức địa phương mà Trung ương nắm được, đều nhờ vào lực lượng của Tô Lâm. Chính vì thế, Nguyễn Thanh Nghị chỉ bị thuyên chuyển và “giáng chức”, từ vị trí Bí thư Tỉnh uỷ, xuống làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng (Bí thư tỉnh có cấp hàm ngang Bộ trưởng).
Năm 2021, Phạm Minh Chính thắng Vương Đình Huệ trong cuộc chạy đua vào ghế Thủ tướng. Thế là, Nguyễn Thanh Nghị được Phạm Minh Chính vớt lên làm Bộ trưởng. Từ đó, giữ cho Nguyễn Thanh Nghị còn nguyên hy vọng tiến xa hơn trên con đường chính trị.
Có thể nói, giai đoạn 2020 – 2021 là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với Nguyễn Thanh Nghị. Ông Nguyễn Tấn Dũng không thể ra mặt, vận động công khai cho con trai, vì ông Trọng còn đó. Sự nghiệp chính trị của Nguyễn Thanh Nghị được cứu, nhờ 2 cựu “đồ đệ” của ông Nguyễn Tấn Dũng, là Tô Lâm và Phạm Minh Chính. Tô Lâm giúp cho sai phạm của Nghị được giảm thiểu, để nhận mức kỷ luật nhẹ nhất có thể, còn Phạm Minh Chính tái sinh sự nghiệp chính trị của Nghị, bằng cách bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng.
Với việc ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có thể ra mặt để vận động cho con trai. Mối quan hệ thân tình giữa Nguyễn Tấn Dũng với Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm được công khai, nên sự nghiệp chính trị của Nguyễn Thanh Nghị cũng sẽ vững chắc hơn. Đáng nói là, nếu Tô Lâm và Phạm Minh Chính có quay ra quyết chiến với nhau, thì Nguyễn Thanh Nghị vẫn có thể trụ vững, vẫn hiên ngang đứng vững giữa 2 làn đạn.
Sân chơi chính trường Việt Nam vẫn chưa có chỗ cho những nhân vật trẻ U50, như Nguyễn Thanh Nghị. Gần đây, Đặng Quốc Khánh – Bộ trưởng Bộ tài nguyên Môi trường, người cùng tuổi với Nguyễn Thanh Nghị, đã ngã ngựa. Và xa hơn là Võ Văn Thưởng, là một nhân vật trẻ tuổi trong Tứ trụ, cũng không chịu nổi “giông bão” chính trường. Nếu Nghị đứng một mình, rất khó trụ vững. Tuy nhiên, lợi thế là Nguyễn Thanh Nghị có người cha là Nguyễn Tấn Dũng, nên rất triển vọng.
Trần Chương – Thoibao.de