Tổng Bí thư Tô Lâm quyết không lùi bước, phe quân đội đã sử dụng hết bài hay chưa?

Ngày 8/9, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đến Thủ đô Washington DC, trong chuyến thăm chính thức lần đầu tiên, với nỗ lực tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngày 9/9, Bộ trưởng Phan Văn Giang có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Trong những ngày gần đây, xuất hiện tin đồn đoán về các phản ứng cũng như các cảnh báo từ phe quân đội, liên quan đến chính sách đối ngoại của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Truyền thông quốc tế đưa tin, sau chuyến thăm Trung Quốc trên danh nghĩa tân Tổng Bí thư, ông Tô Lâm có thể sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ, trong tháng 9 này.

Theo giới quan sát quốc tế, khả năng cao, Tổng Bí thư Tô Lâm có thể đến New York, để tham dự cuộc họp Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp Quốc, bắt đầu vào ngày 22/9/2024. Đồng thời, ông Tô Lâm có thể cũng sẽ thăm chính thức nước Mỹ vào dịp này.

Theo một số đồn đoán, dường như, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam vẫn kiên định, không khoan nhượng, bất chấp sự phản đối mang tính hệ thống trong nội bộ lãnh đạo Đảng. Đặc biệt là từ Ban Đảng của Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, cũng như Ban Tuyên giáo Trung ương của Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa.

Cũng theo đồn đoán, hàng loạt các vấn đề “ăn miếng, trả miếng”, liên quan đến mối quan hệ Việt – Mỹ. Tổng Bí thư Tô Lâm theo chủ trương đối ngoại thân Mỹ, và rời xa Bắc Kinh, ngay lập tức gặp phải sự đáp trả của thế lực bảo thủ, thân Trung Quốc trong Đảng.

Không chỉ riêng sự kiện chụp mũ cho Đại học Fulbright là “làm cách mạng màu”, với mục đích phá hoại biểu tượng của mối quan hệ Việt – Mỹ. Phe thân Trung Quốc còn cho lật “hồ sơ” vụ Tướng Tô Ân Xô, giữ chức Trợ lý Tổng Bí thư và phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư, nhằm gây áp lực với ông Tô Lâm.

Có ý kiến cho rằng, một phản ứng của phe quân đội không thể không nhắc tới, đó là, ông Tô Lâm là Tổng Bí thư, thì nghiễm nhiên sẽ là Bí thư Quân ủy Trung ương. Tuy nhiên, Cổng thông tin Điện tử của Bộ Quốc phòng phải tới ngày 26/8, tức sau hơn 3 tuần lễ, mới chịu cập nhật hình ảnh ông Tô Lâm trong vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương.

Đây là một trong những chỉ dấu cho thấy, Tổng Bí thư hầu như không nhận được sự ủng hộ cần thiết, từ tập thể tướng lĩnh lãnh đạo quân đội.

Các cáo buộc từ phe chống Tô Lâm cho rằng, ông đang cố tình đi chệch hướng chính sách “ngoại giao cây tre”. Giới phân tích quốc tế khẳng định, Tổng Bí thư Tô Lâm khó có thể đưa con tàu đối ngoại Việt Nam đi trật đường ray. Bởi lý do, việc kế thừa di sản của ông Trọng là điều cần thiết, tạo thế vững chắc cho ông, về quyền lực chính trị trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng, theo đòi hỏi của phe quân đội, quan hệ quốc tế với Bắc Kinh và Hoa Kỳ phải cân bằng, không được nghiêng về bất kỳ bên nào. Như vậy sẽ đảm bảo cho sự an toàn về an ninh quốc tế của Đảng và nhà nước Việt Nam. Điều đó cũng đảm bảo tránh được tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, khi trong tháng 10 tới đây, một lãnh đạo quân đội sẽ nắm cương vị Chủ tịch nước.

Phải chăng, Tổng Bí thư Tô Lâm ỷ thế đang kiểm soát chặt chẽ quyền lực, từ Đảng, đến Chính phủ và Quốc hội, với một bộ máy nhân sự công an chiếm tỷ lệ áp đảo, so với phe Quân đội. Hơn nữa, ông Tô Lâm đã thiết lập một bộ máy an ninh, cảnh sát, và lực lượng bán vũ trang khổng lồ, để quản lý Nhà nước và xã hội.

Với ưu thế quyền lực như vừa kể, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ bất chấp tất cả, kể cả đòi hỏi cũng như thách thức của các bộ phận còn lại trong Đảng, đang chiếm số đông áp đảo.

Chúng ta hãy chờ xem, cuộc đấu sẽ tiếp diễn ra sao, và câu trả lời cho câu hỏi, ai sẽ thắng ai?

 

Trà My – Thoibao.de