Trước sức ép quyết liệt của phe tướng lĩnh quân đội, và các dấu hiệu cho thấy có sự góp mặt của ban lãnh đạo Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đang đứng trước thế trận “thập diện mai phục”.
Đó là chưa kể tới lực lượng của các phe cánh Hà Nội, Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn còn hùng hậu. Ông Tô Lâm được cho là đã không giành được sự ủng hộ của lãnh đạo của phe Trung Nam Bộ. Nghĩa là, ông Tô Lâm hiện nay chỉ kiểm soát được bộ Hưng Yên, cụm Hải Phòng và phe miền Nam với số lượng ủy viên Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị ít hơn.
Một khi ông Tô Lâm chỉ còn giữ duy nhất chiếc ghế Tổng Bí thư, kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng vẫn không kiểm soát và điều hành được nhân sự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, thì quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm hết sức chênh vênh.
Cho dù, Tô Lâm trước đây với cương vị Bộ trưởng Bộ Công an và người tiền nhiệm là cố Bộ trưởng Trần Đại Quang, đã có kế hoạch xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động hùng mạnh, được trang bị các vũ khí, khí tài như xe bọc thép, máy bay trực thăng… hay mới đây, đã xây dựng được một Trung đoàn Không quân Công an có sân bay riêng ở Bắc Ninh, với lý do để chống bạo loạn và khủng bố, nhưng thực chất không ngoài mục đích làm đối trọng với lực lượng quân đội.
Chưa dừng lại ở đó, dưới thời Tô Lâm làm Bộ trưởng, ông đã tăng nhân sự ngành công an, kể cả lực lượng bán vũ trang, mà Bộ Công an có thể điều phối, có thể lên tới con số gần 700 ngàn người.
Tham vọng của Tổng Bí thư Tô Lâm từ trước đến nay, muốn vượt lên trên quyền lực của phe quân đội, và bước đầu đã ít nhiều thành công. Con số 6 ủy viên Bộ Chính trị từ ngành công an đi lên so với 4 ủy viên Bộ Chính trị có gốc gác từ quân đội, tại thời điểm hiện nay đã cho thấy điều đó.
Từ trước đến nay, lực lượng quân đội và công an là 2 công cụ của Đảng Cộng sản Việt Nam được hết sức coi trọng. Lực lượng quân đội chịu trách nhiệm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền quốc gia, cũng như người dân. Còn lực lượng công an chịu trách đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội, và gìn giữ chế độ.
Giữa quân đội và công an không thể tránh khỏi những cạnh tranh về mặt quyền lực lãnh đạo. Đây là lý do, lãnh đạo quân đội và công an luôn luôn tôn trọng nguyên tắc “Nước sông không đụng đến nước giếng”.
Khác với các giới chức lãnh đạo thuộc khối dân sự, thì các giới chức lãnh đạo thuộc Bộ Quốc phòng là “bất khả xâm phạm”. Quân đội có ưu thế đặc thù, có hệ thống tư pháp riêng, và Bộ Công an không có thẩm quyền.
Tổng Bí thư Tô Lâm, dẫu là Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng luôn luôn lo lắng và tìm mọi cách để nắm chắc quân đội. Tổng Bí thư Tô Lâm được cho là có quan hệ tốt với Bộ trưởng Phan Văn Giang. Tướng Giang là một tướng lĩnh quân đội có trình độ và uy tín cao nhất trong Đảng hiện nay.
Giới thạo tin cho rằng, 3 nhân vật Tô Lâm, Phạm Minh Chính và Phan Văn Giang là đàn em thân cận của cựu Thủ tướng Ba Dũng. Tuy nhiên trong nội bộ quân đội, tướng Phan Văn Giang được cho là người không “hợp” với Đại tướng Lương Cường. Đây là một trong những lý do khiến phe quân đội bị chia rẽ trong một thời gian khá dài.
Một số ý kiến cho rằng, sự lộng hành của ông Tô Lâm đã khiến cho các tướng lĩnh quân đội đoàn kết trở lại. Đồng thời phía quân đội được cho là đã thống nhất khẳng định, quân đội là trung tâm quyền lực chính trị của quốc gia chứ không phải Công an.
Ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến dự lễ khai giảng của Học viện Quốc phòng năm học 2024-2025, được coi là một bước đi đáng chú ý. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang.
Được biết, Học viện Quốc phòng là Học viện huấn luyện và đào tạo tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp hàng đầu của quân đội. Lãnh đạo của Học viện Quốc phòng là các tướng lĩnh có uy tín cao, trong giới tướng lĩnh của Quân đội Việt Nam.
Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã bước đầu đạt được các thỏa thuận thống nhất với phe Quân đội, thông qua tướng Phan Văn Giang?
Trà My – Thoibao.de