Tại sao Tổng Bí thư Tô Lâm phải gấp rút tổ chức Hội nghị Trung ương 10 sớm hơn?

Truyền thông nhà nước bất ngờ đưa tin, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10, đã chính thức khai mạc ngày 18/9, sớm hơn thường lệ.

Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp sớm một cách bất thường, theo giới thạo tin, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm công du Hoa Kỳ, vào đêm 21/9 tới đây, để dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Như vậy, Hội nghị này phải họp ngay trước thềm chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.

Việc liên tiếp diễn ra các Hội nghị Trung ương “bất thường”, cũng như đẩy sớm thời điểm họp Hội nghị Trung ương 10, đã cho thấy, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam không yên ổn, trong khi, quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm được cho là không suôn sẻ.

Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đổi mới thể chế chính trị. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, để có đột phá chiến lược, và tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế. Cụ thể, làm tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các tổ chức chính trị – xã hội, để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền cấp dưới, theo phương châm “địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đáng chú ý, bài phát biểu khai mạc của ông Tô Lâm cho biết:

“Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát.”

Nhưng không hề nhắc tới vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Khả năng cao, Hội nghị Trung ương 10 lần này sẽ có nội dung về kiện toàn các chức danh, và điều động một số lãnh đạo cấp cao, cũng như sẽ tập trung cho việc chuẩn bị cương lĩnh, và phê duyệt quy hoạch nhân sự “chủ chốt” cho Đại hội Đảng lần thứ 14, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.

Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ trao lại chức danh Chủ tịch nước, để tập trung cho công việc lãnh đạo Đảng. Phải chăng, đây là động thái của Tổng Bí thư, muốn “rút củi đáy nồi”, để giảm phản ứng “quyết liệt” từ phe tướng lĩnh quân đội, trước chuyến đi Mỹ của ông.

Theo giới phân tích quốc tế, việc cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, đã để lại một khoảng trống quyền lực. Đồng thời, sự thăng tiến quá nhanh của Chủ tịch nước Tô Lâm, chính là nguồn cơn của tình trạng bất ổn trầm trọng như hiện nay, của Đảng Cộng sản Việt nam.

Do đó, việc khôi phục lại cơ chế lãnh đạo “Tứ trụ”, sẽ giúp trấn an những mối quan ngại trong Đảng, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, nhân sự của Bộ Chính trị hiện có 15 thành viên, trong đó, có 6 người đi lên từ công an, mà chỉ có 3 người từ quân đội. Cho nên, việc để cho nhân sự của quân đội nắm giữ một ghế “Tứ trụ”, cũng phần nào giải tỏa và giảm bớt sự căng thẳng giữa 2 phe cánh quan trọng nhất, là công an và quân đội.

Việc đẩy nhanh các tiến trình vừa kể, thông qua việc tổ chức sớm Hội nghị Trung ương 10, cũng là cách để ông Tô Lâm tránh tình trạng tình trạng “đêm dài lắm mộng”.  Càng kéo dài thời gian bao nhiêu, sẽ tạo điều kiện cho Ban lãnh đạo Trung Quốc sử dụng “quỷ kế”, để chia rẽ nội tình Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xin nhắc lại, ông Tô Lâm công du Mỹ lần này, giữa lúc, mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam chưa chấm dứt. Đặc biệt, mối quan hệ giữa phe công an của Tổng Bí thư Tô Lâm, đang có các tranh chấp quyết liệt với phe tướng lĩnh quân đội.

Học giả Trương Nhân Tuấn từ Pháp, cho rằng, việc phân chia phe cánh trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã hình thành từ lâu. Nhưng đã đến lúc, các phe nhóm trong Đảng phải xác định là chỉ có 2 phe, đó là, phe theo Trung Quốc và phe có khuynh hướng độc lập.

 

Trà My – Thoibao.de