Trung ương Đảng sẽ tổ chức hội nghị, kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao

Ngày 17/9, BBC Tiếng Việt cho hay “Trung ương Đảng tổ chức hội nghị từ ngày 18 – 20/9, nội dung là gì?”.

Theo đó, 2 nguồn tin của BBC tiết lộ, dự kiến, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị từ ngày 18 đến 20/9.

Khả năng cao, cuộc họp trong 3 ngày này, sẽ bao gồm nội dung về kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao, và điều động một số cán bộ. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng sẽ tập trung cho việc chuẩn bị cương lĩnh, và phê duyệt quy hoạch nhân sự cho Đại hội 14, dự kiến diễn ra vào quý 1/2026.

BBC nhắc lại thông báo của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, ngày 26/8, rằng: Theo Nghị quyết của Trung ương, chức danh Chủ tịch nước sẽ được Quốc hội bầu vào kỳ họp thứ 8, tháng 10. Kỳ họp này dự kiến diễn ra theo 2 đợt, khai mạc vào ngày 21/10, và bế mạc muộn nhất vào ngày 30/11.

BBC cũng nhắc lại, tại Hội nghị ngày 15/8, Bộ Chính trị gặp mặt các lãnh đạo, cựu lãnh đạo Đảng và nhà nước, ông Tô Lâm cũng đã thông báo, kỳ họp Quốc hội tháng 10/2024, sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao.

Đây được coi là động thái nhằm trấn an các “bậc bô lão”, rằng, sẽ không có việc nhất thể hóa 2 chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư, mà ông Tô Lâm sẽ chỉ tập trung vị trí lãnh đạo Đảng.

BBC dẫn một nguồn tin khác, nói rằng, ông Tô Lâm dự kiến sẽ lên đường đi New York, Mỹ, vào đêm 21/9, để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, với tư cách nguyên thủ quốc gia.

Như vậy, Trung ương Đảng họp ngay trước thềm chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.

BBC cũng cho hay, dự kiến, Hội nghị Trung ương này sẽ thảo luận, thống nhất về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, để Quốc hội bầu vào kỳ họp thứ 8.

BBC dẫn đánh giá của các chuyên gia, theo đó, từ sau thời Lê Duẩn, Việt Nam đã tránh mô hình nhất thể hóa, để tránh việc quyền lực tập trung quá nhiều vào một người. Việc ông Nguyễn Phú Trọng từng nắm giữ cả 2 chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, giai đoạn 2018 – 2021, cũng chỉ là phương án tạm thời.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, cho rằng, việc không để ông Tô Lâm kiêm nhiệm, có thể là do một số lãnh đạo cấp cao tỏ ra kiêng kị, về việc cho phép một người nắm giữ quá nhiều quyền lực.

“Hoặc là có những cân nhắc, về lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài, về sự ổn định chính trị ở Việt Nam. Vì thế, việc khôi phục lại cơ chế lãnh đạo Tứ trụ sẽ giúp trấn an những mối quan ngại.”

Theo Giáo sư Carl Thayer, có tin đồn rằng, quân đội muốn đề bạt ứng cử viên của mình vào vị trí Chủ tịch nước, để cân bằng quyền lực đối với bên công an.

BBC lưu ý, công tác nhân sự của Đảng là vấn đề liên quan đến lợi ích công, có tính chất quan trọng đối với vận mệnh đất nước, nhưng vẫn luôn được giữ bí mật. Điều này đã được luật hóa.

BBC đề cập đến “trường hợp đặc biệt”, trong Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo đó, những nhân vật quá 65 tuổi vào thời điểm diễn ra Đại hội 14, nếu muốn tiếp tục sự nghiệp, thì phải vào Tứ trụ hoặc Thường trực Ban Bí thư.

Nguồn tin của BBC cho biết, Hội nghị Trung ương dự kiến sẽ bàn về cương lĩnh, cũng như phê duyệt quy hoạch nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa 14.

BBC tiếp tục nhắc lại, đã có 7 ủy viên Bộ Chính trị, từng được chính Đảng chọn lọc kỹ và đánh giá là vừa có đức, vừa có tài, nhưng đã phải rời sân khấu chính trị vì mắc khuyết điểm; đồng thời, 26 ủy viên Trung ương Đảng cũng mất chức, thậm chí có người bị kỷ luật và vướng vào lao lý.

 

Hoàng Anh – thoibao.de