Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc được đánh giá là mối quan hệ giữa 2 quốc gia có hệ thống chính trị tương đồng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Chính trị Việt Nam được coi là một bản sao của chính trị Trung Quốc.
Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thái độ mềm yếu quá mức đối với Trung Quốc, về vấn đề Biển Đông. Ông Trọng từng cho rằng, “căng thẳng với bạn [tức Trung Quốc], thì liệu chúng ta có thể ngồi đây để bàn về Đại hội Đảng hay không?
Đây là sự vô trách nhiệm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, mà ít ai có thể chấp nhận được.
Theo một số nhận định, sau khi kế nhiệm ông Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có quan điểm khác biệt trên nhiều vấn đề. Đặc biệt là chính sách đối ngoại với các cường quốc nói chung, và quan điểm về chủ quyền trên Biển Đông nói riêng.
Khi ông Tô Lâm mới “chân ướt, chân ráo” nắm quyền lãnh đạo, Bộ Ngoại giao đã đưa ra tuyên bố, nhấn mạnh việc bảo đảm các quyền hợp pháp của Việt Nam, đối với phần thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý, trên khu vực giữa Biển Đông. Đây là lý do khiến Bắc Kinh tức giận, và họ lập tức có các hành động đáp trả.
Kể từ khi ông Tô Lâm thực sự nắm quyền, Cảnh sát Biển Việt Nam đã có nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác với lực lượng tuần duyên của Philippines. Từ ngày 5 đến ngày 11/9, Cảnh sát Biển Việt Nam đã tổ chức một đợt diễn tập bắn đạn thật, tại khu vực vùng biển gần đảo Phú Quý, thuộc tỉnh Bình Thuận, với tình huống giả định là chống “tàu lạ” xâm nhập vùng biển Việt Nam.
Giới quan sát ghi nhận, tàu cá và tàu khảo sát Trung Quốc từng vào gần vùng biển đảo Phú Quý, trong các năm gần đây.
Một số ý kiến cho rằng, các phản ứng đối phó của Việt Nam, cũng như Philippines hiện nay, đều sẽ thất bại, vì câu trả lời nằm trong bản chất chế độ của Bắc Kinh.
Kể từ năm 2012, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trở nên độc đoán hơn, và coi thường luật pháp cũng như các chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt là hồ sơ Biển Đông.
Theo giới phân tích, Philippines nên tính đến việc kích hoạt Hiệp ước Tương hỗ với Mỹ. Còn Việt Nam, có thể tiến tới tập trận, hoặc phối hợp chặt chẽ hơn với lực lượng Tuần duyên của Hoa Kỳ, đang hoạt động tại khu vực Biển Đông.
Được biết, Mỹ sẽ tặng cho Việt Nam chiếc tàu tuần duyên thứ 3, trước cuối năm 2024 này. Mới đây, trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, từ ngày 6 đến ngày 11/9, ông đã được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tiếp đón trọng thị, cùng tuyên bố khẳng định về “Sự gia tăng hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam diễn ra trong suốt năm qua”.
Đồng thời, 2 nước đang đàm phán về thương vụ mua bán máy bay vận tải C-130 cho Hà Nội. Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đang xem xét về việc mua các loại máy bay khác của Mỹ, bao gồm cả chiến đấu cơ F-16. Tuy nhiên, do Hà Nội lo ngại ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nên các cuộc đàm phán về loại máy bay này không có nhiều tiến triển.
Việt Nam cũng đã và đang âm thầm chuẩn bị cho những quyết định mua sắm, như gửi một số sĩ quan không quân, những đội hậu cần đến Mỹ, để huấn luyện và học tập từ cách đây 2, 3 năm.
Đồng thời, Việt Nam mới khai trương một sân bay ở Phan Thiết, dành riêng cho việc triển khai một số loại máy bay huấn luyện, sẽ mua của Mỹ trong tương lai.
Điều đó cho thấy, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và cơ sở hạ tầng, cho việc mua sắm vũ khí Mỹ. Tất cả những sự kiện này đánh dấu “giai đoạn mới trong hợp tác hữu nghị” giữa 2 nước, đến nay vẫn suôn sẻ, và đi theo hướng mà cả 2 nước đều mong muốn.
Trà My – Thoibao.de