Phải chăng chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Tô Lâm thất bại, từ khi chưa khởi hành?

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, được cho là đang tìm cách đưa Hà Nội thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Từ trung tuần tháng 8/2024, ông Tô Lâm đã thực hiện chuyến thăm Trung Quốc sớm hơn, để chuẩn bị cho một chuyến công du Hoa Kỳ “rầm rộ”, tương tự chuyến thăm Bắc Kinh.

Tuy nhiên, có lẽ, sự thất thế của ông và phe cánh trên chính trường, trong những ngày này, đã báo hiệu rằng, chuyến đi của ông sẽ diễn ra không như ông kỳ vọng.

Truyền thông nhà nước Việt Nam, ngày 19/9, đưa tin ngắn gọn, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có chuyến làm việc tại Hoa Kỳ vào tuần tới, để tham dự Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, tại New York. Sau đó, ông sẽ thăm cấp nhà nước tới Cuba.

Tuy nhiên, thông báo của Thông Tấn Xã Việt Nam đã không cho biết cụ thể, về khung thời gian cho các hoạt động của chuyến thăm, cũng như, không đưa ra nội dung chi tiết, về những hoạt động của ông Tô Lâm trong thời gian ở Mỹ. Theo một số ý kiến, điều đó đã cho thấy, hình như có sự cố ý làm giảm nhẹ tầm quan trọng, một cách có chủ ý của Ban Tuyên giáo Trung ương, do Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đứng đầu.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, vẫn khẳng định, tại Liên Hợp Quốc, ông Tô Lâm sẽ đem tới những thông điệp lớn, quan trọng, đối với hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới.

Một vấn đề công luận quan tâm, liệu ông Tô Lâm có gặp đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong chuyến thăm này hay không?

Trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm, cũng có tin rằng, phía Hà Nội đã lên kế hoạch để ông tiếp xúc với Tổng thống Joe Biden, và cựu Tổng thống Donald Trump, nhân chuyến công du lần này.

Nhưng mới đây, luật sư Vũ Đức Khanh đánh giá, ngoại giao Việt Nam đã thất bại, khi không đạt được thỏa thuận cần thiết với giới chức ngoại giao Hoa Kỳ, để thiết kế một chuyến thăm chính thức cho ông Tô Lâm.

Theo nguồn tin riêng của luật sư Vũ Đức Khanh, vào giờ chót, Tổng thống Joe Biden đã từ chối tiếp ông Tô Lâm. Vì những yêu sách do phía Mỹ đưa ra, đã bị Hà Nội cố tình trì hoãn. Cụ thể, ông Tô Lâm và phe cánh chưa chứng minh được quyết tâm thay đổi, là điều mà giới chức Mỹ kỳ vọng. Cũng như, chính sách đối ngoại của Việt Nam cho đến thời điểm này, vẫn nghiêng về Bắc Kinh nhiều hơn.

Cũng theo nguồn tin trên, giới chức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, vẫn tiếp tục nỗ lực thu xếp một buổi gặp giữa ông Joe Biden và ông Tô Lâm, bên lề các cuộc gặp gỡ ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong trường hợp xấu nhất, ngoại giao Việt Nam có thể dàn dựng, để ông Tô Lâm xuất hiện chung với ông Biden, tại bữa tiệc Tổng thống Mỹ chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp Quốc lần này.

Tuy nhiên, giới thạo tin từ phía Việt Nam khẳng định, vì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giữa 2 ứng viên Donald Trump và Kamara Harris, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, nên ông Tô Lâm không “mặn mà” lắm với chương trình gặp gỡ, và làm việc với giới chức lãnh đạo của đảng Dân chủ đang cầm quyền.

Ngày 19/9, truyền thông nhà nước công bố thông tin: Tập đoàn Trump, thuộc sở hữu của gia đình ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang xem xét cơ hội đầu tư vào tỉnh Hưng Yên – quê hương ông Tô Lâm.

Theo đó, đại diện của Tập đoàn The Trump Organization, bày tỏ mong muốn hợp tác, đầu tư, tại tỉnh Hưng Yên, một dự án xây dựng khách sạn, sân golf và tổ hợp vui chơi, giải trí. Người ta không biết, câu chuyện này có ảnh hưởng gì tới việc không có cuộc gặp giữa ông Tô Lâm và ông Biden hay không?

Tuy nhiên, nếu thật sự Tô Lâm thất bại trong chuyến đi Mỹ sắp tới, thì nguyên do chủ yếu có lẽ là vì thiếu sự đồng thuận từ phe quân đội.

 

Trà My – Thoibao.de