Đu dây “như khỉ”, Tô Tổng bị Mỹ quay lưng, bị Tập quay như “chong chóng”?

Sau khi lên Tổng Bí thư, ông Tô Lâm chọn đi Bắc Kinh trước, đi Mỹ sau, là có ẩn ý. Thứ tự các chuyến công du này cho thấy, Đảng – mà người đại diện là Tô Lâm, vẫn giữ đúng lễ với Bắc Kinh, phải xin phép “thiên triều” trước, rồi mới được phép sang Mỹ.

Kiểu ngoại giao này được Đảng dán nhãn là “ngoại giao cây tre”, và cho tuyên giáo ca tụng là đường lối “uyển chuyển, khôn khéo”. Tuy nhiên, thực tế, các nhà đánh giá trung lập xem đây là đường lối ngoại giao “đu dây”, giữa 2 cường quốc đối địch. Nếu chọn đường lối ngoại giao kiên định theo Mỹ, thì Đảng không phải suy tính đến việc làm hài lòng Bắc Kinh. Bởi dù chơi với Mỹ, họ cũng không bắt buộc Việt Nam phải hạn chế kết nối với Trung Quốc. Nhiều nước trên thế giới, như Nhật Bản và Hàn Quốc, chọn cách ngả hẳn về Mỹ, để không phải vất vả tính toán cách giữ thăng bằng giữa 2 cường quốc.

Sự hèn nhát và sự ích kỷ đã biến Đảng thành kẻ đu dây. Hèn nhát khiến Đảng phải run sợ trước Trung Quốc, ích kỷ vì muốn bám giữ quyền lực, nên bằng mọi giá, Đảng phải bám vào Trung Quốc, để tìm sự đỡ đầu về chính trị. Thực tế, từ lâu, Mỹ đã không còn muốn lật đổ Cộng Sản Việt Nam, Mỹ chỉ muốn bắt tay với Việt Nam, để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc. Điều này rất có lợi cho đất nước, nhưng Đảng lại phớt lờ.

Có người giải thích, “đu dây” là cách ví von, lấy hình ảnh “con khỉ”, với bản chất “láu cá” thích làm trò. Có lẽ, đấy là sự ví von khá sát với thực tế, bởi chính sách ngoại giao của Hà Nội, khiến cho 2 cường quốc số 1 thế giới thấy được bản chất “ma lanh”, không kiên định của họ.

Mỹ thì thấy Việt Nam chỉ muốn tiền của Mỹ, mà vẫn trung thành với Tàu. Còn Bắc Kinh thì cảm thấy không yên tâm, khi Hà Nội cứ mỗi ngày lại diễn trò bay nhảy xung quanh Mỹ.

Bởi vì diễn “trò khỉ”, nên chuyến đi Mỹ lần này của Tô Lâm, đã bị Tổng thống Biden từ chối tiếp. Mỹ cần những nhà lãnh đạo kiên định, biết chọn phe rõ ràng, biết đồng lòng trên sân khấu chính trị toàn cầu. Mỹ là ông chủ trong các cuộc chơi lớn. Họ là ông chủ biết nhìn xa, có chiến lược, và đang giữ thế thượng phong trước Trung Quốc. Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam, nếu không nhận ra vị trí của mình, mà vẫn cố “làm mình làm mẩy”, Việt Nam sẽ chẳng có bạn thật lòng, để giúp đỡ lúc gặp khó.

Ở cương vị Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cần xác định vai trò, vị trí của mình một cách rõ ràng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối tiếp, như là cú tát vào mặt Tô Lâm. Đây là tin vui đối với Tập Cận Bình, bởi khi Mỹ ngán ngẩm với Việt Nam, Tập có thể giở trò mà không cần phải “nhìn ngó” dư luận quốc tế, đặc biệt là thái độ của Mỹ và các đồng minh.

Hiện nay, Philippines dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr., đang gần Mỹ hơn người tiền nhiệm. Từ đó, quốc gia này cũng mạnh mẽ hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông. Không thể giành lại những gì mà Trung Quốc đã chiếm, nhưng ít nhất, họ cũng không để cho Trung Quốc lấn tới, tiếp tục chiến dịch “tằm ăn dâu”, để rồi, sau một thời gian nữa, đất nước mất dần chủ quyền vào tay cường quốc tham lam này.

Với Mỹ, cần có sự chân thành, uy tín và trách nhiệm vv… Với Trung Quốc, cần cứng rắn mới ngăn chặn sự lấn tới của họ. Càng nhu, Trung Quốc càng lấn tới, bởi nhà nước Cộng sản Trung Quốc là một nhà nước lưu manh. Cách duy nhất để chặn sự gây hấn của Trung Quốc, là kết liên minh với Mỹ và các đồng minh của họ.

Chính sách đu dây, lúc nhảy sang Mỹ, lúc bật sang Tàu, đã phản tác dụng. Mỹ không cho bám vào họ, còn Tàu thì cứ rung dây, khiến “con khỉ” phải khốn đốn giữ thăng bằng, rồi sau đó đem quyền lợi quốc gia ra đổi, để kẻ rung dây nhẹ tay.

Chính sách ngoại giao đu dây không thể gọi là khôn ngoan, mà có thể nói, đấy là chính sách khiến Việt Nam thiệt đủ đường.

 

Trần Chương – Thoibao.de