Thả 2 tù nhân nổi tiếng trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm, liên quan đến việc mua vũ khí Mỹ

Ngày 22/9, BBC Tiếng Việt bình luận “Vì sao ông Tô Lâm trả tự do hai tù nhân nổi tiếng trước khi sang Mỹ?”

Theo đó, 2 tù nhân nổi tiếng là Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do, trở về nhà hôm 21/9, ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.

BBC đặt câu hỏi, tại sao, Chính phủ Việt Nam có quyết định như vậy vào thời điểm này?

BBC nhắc lại, Linh mục Nguyễn Văn Lý được trả tự do vào ngày 20/5/2016, trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Vào tháng 9/2023, trước chuyến thăm Hà Nội của ông Biden, Hà Nội đã đồng ý để 2 nhà hoạt động bị bắt giữ (chưa bị tuyên án tù) sang Mỹ tị nạn, và đồng ý trả tự do cho 2 nhà hoạt động khác đang bị giam, là luật sư Nguyễn Bắc Truyển và nhà báo Mai Phan Lợi.

BBC dẫn bài “Lời chào đầu tiên” đăng lên Facebook của ông Trần Huỳnh Duy Thức, kể lại rằng, Bộ Công an muốn ông làm đơn xin đặc xá, nhưng ông từ chối. Sau đó, tối 20/9, Trại giam số 6 đã thông báo về Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, nhưng ông Thức không nhận và không đồng ý ra khỏi trại. Thế là, họ cưỡng bức khiêng ông ra, đưa lên xe ra sân bay Vinh để vào Sài Gòn.

Ông Thức viết, như vậy, “một cách mặc nhiên”, ông “đã góp phần quan trọng vào sự hỗ trợ chuyến công du Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước, một chuyến đi mang hy vọng về sự chuyển đổi mạnh mẽ cho đất nước trong tương lai”.

Theo BBC, lần này không phải là một chuyến thăm chính thức tới Mỹ của ông Tô Lâm, mà ông chỉ đi dự các sự kiện của Liên Hợp Quốc, nhân đó xúc tiến một số cuộc gặp với giới chính trị và giới doanh nhân Mỹ. Do đó, lần này sẽ không có các cuộc hội đàm song phương. Tuy nhiên, trong các cuộc gặp gỡ, đôi bên có thể sẽ bàn tới các vấn đề quan trọng, bao gồm cả việc mua vũ khí.

BBC dẫn lời cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung, việc trả tự do cho ông Thức “có thể khiến Mỹ đồng ý bán một số thiếu bị quân sự cho Việt Nam, như máy bay vận tải C130”.

BBC cũng dẫn lời ông Ben Swanton, đồng Giám đốc Dự án 88, nói rằng, việc trả tự do cho 2 tù nhân nói trên, trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm, là có liên quan đến thỏa thuận vũ khí.

Ông Nguyễn Tiến Trung bày tỏ sự hoài nghi về thực tâm của Việt Nam, trong vấn đề cải thiện nhân quyền. Việc thả 2 tù nhân lương tâm trên, không nói lên được thực tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam, dù họ muốn thể hiện, họ cũng tôn trọng nhân quyền, cũng có những nhượng bộ về nhân quyền.

BBC dẫn tiếp lời ông Phil Robertson – Giám đốc tổ chức Asia Human Rights, Labour Advocates – nói rằng, việc trả tự do cho ông Thức và bà Hồng “giống như ngoại giao con tin”.

“Rõ ràng là không có thay đổi thực sự nào trong chính sách của Chính phủ Việt Nam – nhằm xóa sổ các nhà hoạt động xã hội dân sự và những người bất đồng chính kiến, mà Đảng cầm quyền coi là mối đe dọa đối với quyền lực của họ.”

“Chắc chắn là, ngay khi ông [Tô Lâm] trở về sau chuyến đi, thì mô hình đàn áp và bắt giữ thông thường, đối với bất kỳ ai chỉ trích Chính phủ, cũng sẽ quay trở lại.”

BBC cũng dẫn chia sẻ cảm xúc của nhiều người trên mạng xã hội, sau khi ông Trần Huỳnh Duy Thức được trả tự do.

Nhà văn Phan Thúy Hà viết:

“Đã được nhìn thấy anh Trần Huỳnh Duy Thức. Không chú thích thì không biết đó là một người vừa ra tù sau gần 16 năm. Trông anh thật bình thản, bình an.”

Luật sư Lê Công Định viết rằng, đây là “niềm vui khôn tả… không thể nói nên lời”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, đặt câu hỏi rằng, những quyết định trả tự do tù nhân này, là sự “trao đổi hay thay đổi”.

 

Hoàng Anh – thoibao.de