Các tổ chức quốc tế không coi việc “đặc xá” cho ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng là cải cách

Ngày 24/9, BBC Tiếng Việt cho hay “Quốc tế lên tiếng về việc “đặc xá” ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng”

Theo đó, việc Chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng, ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm, tiếp tục thu hút sự chú ý của công luận, đặc biệt là từ các tổ chức nhân quyền quốc tế.

BBC dẫn lời bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Bộ phận châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế, nói rằng:

“Họ lẽ ra, ngay từ đầu đã không nên bắt giữ Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng.”

“Hơn 160 người hiện vẫn đang bị cầm tù tại Việt Nam, vì chỉ trích Chính phủ.”

“Các chính phủ muốn lôi kéo Việt Nam để thay thế Trung Quốc, nên cảnh giác – khi quyền lực của ông Tô Lâm tăng lên thì đó cũng là một dấu hiệu cho thấy sự đàn áp ở Việt Nam cũng sẽ tăng lên.”

BBC cho biết, bà Hoàng Thị Minh Hồng chưa bao giờ nhận mình là nhà hoạt động, hay bất đồng chính kiến. Công việc của bà chỉ đơn thuần về bảo vệ môi trường, đào tạo người trẻ, và vận động chính sách về khí hậu và năng lượng sạch.

Việc bà Hồng bị bắt giữ và tổ chức CHANGE do bà thành lập bị đóng cửa, được coi là một cú sốc đối với cộng đồng NGO Việt Nam.

BBC dẫn thông cáo của Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam, một nhóm gồm hơn 30 tổ chức môi trường, khí hậu, nhân quyền quốc tế và khu vực, ngày 23/9, đã bày tỏ sự vui mừng khi bà Hồng được trả tự do sớm hơn thời hạn.

Trong khi Hồng được tự do, tổ chức của bà vẫn đóng cửa, và những nhà bảo vệ môi trường và khí hậu khác ở Việt Nam vẫn ở phía sau song sắt”, Liên minh này viết.

BBC trích dẫn bài viết ngày 23/9, của ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đăng trên website của tổ chức này, với tiêu đề: “Lãnh đạo mới của Việt Nam cũng chỉ là một kẻ vi phạm nhân quyền cũ”.

Ông John Sifton nhắc lại việc bà Hoàng Thị Minh Hồng từng theo học Đại học Columbia, với tư cách là một học giả Quỹ Obama.

“Có lẽ, cộng đồng Columbia đã phản đối và buộc chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho bà Hồng, vào ngày 20/9, ngay trước khi ông Lâm tới New York.”

Bài viết đề cập việc ông Trần Huỳnh Duy Thức, sau khi ra tù đã cho hay, ông không nộp đơn xin đặc xá và cũng từ chối lệnh đặc xá.

Bài viết cũng nhắc lại việc ông Bùi Tuấn Lâm bị bắt giữ và kết cán 5,5 năm tù, vì giễu nhại việc ông Tô Lâm ăn bò bít tết dát vàng.

Bài viết kêu gọi ông Biden, các lãnh đạo Meta và Google, nên công khai kêu gọi trả tự do cho tất cả những người bị cầm tù, chỉ vì các bài viết trên mạng xã hội, “để chứng minh rằng, tự do ngôn luận trên mạng xã hội tại Việt Nam sẽ được bảo vệ”

BBC cũng dẫn thông cáo của Tổ chức Văn bút Mỹ, hôm 23/9, về sự kiện trên, trong đó có đoạn:

“Văn bút Mỹ PEN một lần nữa kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động bị cầm tù vì những phát biểu của họ.”

“Nếu Chủ tịch nước Tô Lâm muốn chứng minh cam kết của mình đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu, trước tiên ông phải ưu tiên và thực thi nhân quyền tại đất nước của mình.”

BBC cũng đề cập đến thư ngỏ của gần 100 trí thức Việt Nam và quốc tế, gửi ông Tô Lâm nhân dịp ông đi Mỹ, kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức. Một cuộc vận động tương tự cũng được tiến hành trực tuyến, với sự tham gia ký tên của nhiều người trong và ngoài nước.

BBC dẫn Chỉ số Tự do Viết của Tổ chức Văn bút Mỹ năm 2023, theo đó, Việt Nam là quốc gia giam giữ nhiều nhà văn/người viết thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc, Iran, và ngang bằng với Ả Rập Xê Út.

Năm 2023, Việt Nam đã giam giữ 19 nhà văn, trong đó có bà Phạm Đoan Trang, người được trao giải Tự do Viết của PEN/Barbey năm 2024.

 

Thu Phương – thoibao.de