Những kết quả và kỳ vọng trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Tô Lâm

Ngày 26/9, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của blogger Trần Hiếu Chân, với tựa đề “Tô Lâm qua Mỹ: Thành tựu và kỳ vọng từ các phía”.

Tác giả cho biết, cả dư luận Việt Nam và quốc tế đều mong chờ những sự kiện nổi bật, liên quan đến chuyến công tác của ông Tô Lâm tới Mỹ.

Trong chuyến công du này, các hoạt động của ông Tô Lâm tại Liên Hợp Quốc và trên đất Mỹ, cùng các cuộc gặp gỡ với Tổng thống Biden và giới doanh nghiệp Mỹ… tất cả không chỉ là nghi thức ngoại giao thông thường.

Tác giả đặt vấn đề, hàng năm, hàng chục nguyên thủ quốc gia đến Mỹ dự họp Liên Hợp Quốc, đều có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, không riêng Chủ tịch nước Việt Nam. Vậy tại sao, phái đoàn của ông Tô Lâm lại nhận được sự chú ý đặc biệt, từ truyền thông và báo chí?

Theo tác giả, phát biểu trước Liên Hợp Quốc, hôm 24/9, Tổng thống Mỹ nói về những bất ổn trên thế giới, gồm cả chiến tranh Việt Nam, từ khi ông bắt đầu sự nghiệp Thượng nghị sĩ vào năm 1972.

Ông Biden đề cập đến sự hàn gắn giữa 2 cựu thù, để trở thành những đối tác chiến lược tin cậy lẫn nhau, trong bối cảnh có các cuộc xung đột lớn đang diễn ra trên thế giới. Ông nhắc tới các cuộc chiến ở Ukraine, Gaza, hay Sudan, và nguy cơ xung đột lớn ở Biển Đông.

Tác giả dẫn một hãng tin quốc tế, cho hay, Tổng thống Joe Biden đã gặp Tổng Bí thư Tô Lâm, bên lề phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, vào chiều 25/9.

Trước đó, vẫn theo tác giả, ông Tô Lâm đã gặp đại diện của các công ty Hoa Kỳ tại New York, bao gồm Meta – Công ty đã cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Ông cũng đề nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ nỗ lực của Hà Nội, nhằm yêu cầu Washington xóa tên Hà Nội khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường, và dỡ bỏ các hạn chế thương mại khác, đồng thời tạo điều kiện để Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác về chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Trong khi đó, tác giả cho hay, Tổng thống Biden nhắc lại, kể từ khi nâng cấp quan hệ ngoại giao vào năm ngoái, 2 nước đã đầu tư vào chất bán dẫn và chuỗi cung ứng, đồng thời đã khởi động hợp tác chưa từng có về an ninh mạng.

Ông cũng cho biết, Hoa Kỳ và Việt Nam nhất trí trong các cam kết về tự do hàng hải và pháp quyền, ám chỉ đến các tranh chấp hàng hải trong khu vực với Trung Quốc.

Tác giả nhận định, các cuộc tiếp xúc và thỏa thuận với giới doanh nghiệp, dường như đã thành công hơn cuộc nói chuyện của ông Tô Lâm tại Đại học Columbia. Trong buổi đối thoại này, ông Tô Lâm đã né tránh các câu hỏi tế nhị về vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, hay làm cách nào để đối phó với sự cạnh tranh Trung – Mỹ.

Dù sao, tác giả đánh giá, chuyến công du Tây Bán Cầu lần này của Tô Lâm, có thể gợi mở đường hướng mới trong chính trị đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phía Hoa Kỳ muốn thăm dò quan điểm của Tô Lâm đối với các vấn đề nhân quyền, kinh tế và an ninh khu vực. Ngược lại, phía Việt Nam muốn tìm hiểu xem, người đứng đầu tương lai của Nhà Trắng, rồi đây sẽ có chiến lược như thế nào đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung, và đối với Việt Nam nói riêng.

Tác giả kết luận, sau chuyến công tác của ông Tô Lâm, quan hệ song phương Việt – Mỹ có thể có thêm đà mới. Dù có phản ứng trái chiều, và kết quả cụ thể vẫn còn ở phía trước.

Tuy nhiên, tác giả dẫn nhận định của một số nhà quan sát, rằng, sự kiện này không chỉ dừng lại ở những cuộc gặp gỡ chính thức, mà sau đó, cả 2 phía cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Những diễn tiến tiếp theo cũng cần thời gian, để kiểm chứng tầm quan trọng thực sự của chuyến công du này.

 

Thu Phương – thoibao.de