Thăm Cuba, tìm về nguồn cội Cộng sản man rợ, Tô Lâm gửi thông điệp gì?

Hiện nay, trên thế giới chỉ còn lại 2 quốc gia Cộng sản thuần tuý, thuộc hàng man rợ nhất thế giới. Người dân ở Triều Tiên và Cuba vẫn còn đang sống trong thời kỳ tem phiếu, bị “ngăn sông cấm chợ”, bị buộc phải bán sức lao động rẻ mạt cho nhà nước, để nhận lại những nhu yếu phẩm ít ỏi, không đủ cho đời sống tối thiểu của một con người.

Có thể nói, Fidel Castro là tội đồ của người dân Cuba. Nếu không có Fidel Castro “giải phóng” dân Cuba khỏi nhà nước thân Mỹ trước đó, thì nay, dân Cuba đâu phải chịu đựng cuộc sống khốn khó. Một lãnh tụ Cộng sản độc tài, dùng mô hình chính trị và kinh tế hà khắc của Lê Nin, áp lên đầu người dân, kết quả, dân ngu dốt, đói nghèo, đất nước lạc hậu, bi đát. Rồi, cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam, chính quyền Cuba lại đổ lỗi cho “đế quốc Mỹ”, còn Fidel Castro vẫn được tô vẽ là “anh hùng giải phóng dân tộc”.

Nhật Bản và Hàn Quốc thân Mỹ, đã có những bước tiến thần kỳ. Từ nhiều năm qua, họ đã khiến các dân tộc khác trên thế giới phải ngưỡng mộ. Hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2, Nhật Bản đã tận dụng sự bảo hộ của Mỹ, để hồi phục kinh tế một cách thần kỳ. Hàn Quốc cũng nhờ thân Mỹ, nên có được mô hình kinh tế thị trường cởi mở, cùng với tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo đất nước, Hàn Quốc đã tiến thẳng từ một nước nông nghiệp lạc hậu, trở thành một cường quốc kinh tế thế giới. Cùng lúc, họ cũng dân chủ hóa đất nước, để đứng vào hàng ngũ của những quốc gia tiến bộ hàng đầu thế giới.

Từ sau “đổi mới” 1986 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua rất nhiều đời tổng bí thư, nhưng chẳng có ai thật sự cởi mở về chính trị.

Sự “cải cách” vào năm 1986, chỉ là sửa chữa những sai lầm do mô hình kinh tế tập trung gây ra. Đấy là sự “cải cách” nửa vời, bởi cải cách toàn diện phải là cải cách cả kinh tế lẫn chính trị.

Hàn Quốc xuất phát từ một chế độ độc tài quân phiệt. Nhưng nhờ vào cải cách kinh tế kéo theo cải cách chính trị, nên vào những năm 80 của thế kỷ trước, Hàn Quốc đã có được sự cải cách xã hội toàn diện.

Muốn đạt được sự cải cách toàn diện, để đất nước tiến lên, Việt Nam cần đi thêm 1 bước nữa – đó là dân chủ hóa.

Từ nhiều năm qua, Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với chính quyền Cộng sản Cuba, trong khi, chẳng hề có lợi ích gì trong mối quan hệ đó. Ngược lại, chính quyền Cộng sản Việt Nam thường lấy gạo của dân Việt, để cứu đói cho dân Cuba. Trong khi, chính giới lãnh đạo Cuba vẫn hằng ngày gây nên cảnh đói nghèo, lầm than, không hồi kết, với dân của họ. Trong khi, ngay chính người Việt trong nước, nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vẫn rất cần nhà nước cấp gạo cứu đói.

Chính quyền Cộng sản Cuba là tội đồ đối với người dân của họ. Nếu là một nhà nước văn minh, thì không ai lại kết thân với một loại chính quyền như thế. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn giữ mối quan hệ gần gũi với Cuba, từ mấy chục năm nay. Điều đó cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam không từ bỏ được cội nguồn man rợ của họ. Việc Tô Lâm tới La Havana, cho thấy, ông không thể là một nhà cải cách, và không dám tách khỏi nguồn gốc Cộng sản.

Nhà nước Cuba cũng là nhà nước Công an trị, tương tự cách Tô Lâm từng thực hiện chính sách Công an trị ở Việt Nam, trong vai trò là người thừa hành – Bộ trưởng Bộ Công an. Có thể nói, nhà nước Công an trị chính là điểm tương đồng giữa Việt Nam và Cuba.

Mới đây, khi Tô Lâm đến Mỹ, thì hô hào về một chính sách “đổi mới”, để Việt Nam tiến lên. Nhưng ngay sau đó, kết thúc chuyến đi Mỹ, thì ông lại tìm đến cội nguồn Cộng sản man rợ.

Ngoài ra, mới đây, Tô Lâm cho cơ quan an ninh triệu tập tiến sĩ Nguyễn Quang A – một trí thức bất đồng chính kiến nổi tiếng.

Vậy nên, đừng kỳ vọng gì vào Tô Lâm, rất khó để có được sự đổi mới từ ông.

 

Trần Chương – Thoibao.de