Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư đến nay, cung đình ngày càng khốc liệt hơn, chứ không hề yên tĩnh. Chưa có nhiệm kỳ nào mà số uỷ viên Trung ương Đảng và uỷ viên Bộ Chính trị bị rụng nhiều như nhiệm kỳ khoá 13 này. Điều đó báo hiệu, Đảng Cộng sản Việt Nam là một cái “lò lửa”, trong đó, các đồng chí đang “nướng” lẫn nhau.
Nhiệm kỳ này cũng có đến 3 cái chết, 2 người chết khi đang tại vị, còn 1 người chết không bao lâu sau khi rời ghế. Đó là ông Lê Văn Thành, ông Nguyễn Chí Vịnh và ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Thành nhiễm “bệnh lạ”, sau khi rời “hang ổ” Hải Phòng về Chính phủ. Ông Trọng qua đời, có lẽ do di chứng của lần gục ngã tại Kiên Giang – sào huyệt của Ba Dũng, 5 năm trước đó. Còn ông Vịnh bị cho nhắm mắt, có lẽ bởi ông biết quá nhiều. Ông Vịnh từng nắm chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo quân đội (tức Tổng Cục 2).
Sẽ không có bất kỳ sự thừa nhận nào từ nhà cầm quyền, rằng, những cái chết kể trên là kết quả của các cuộc đấu đá cung đình.
Dùng hồ sơ đen để hạ bệ lẫn nhau, là cách làm công khai. Bởi hầu hết các quan chức đều ăn bẩn để làm giàu, nên bất kỳ ai cũng có thể trở thành con mồi của Tô Lâm, khi ông nắm trong tay bộ máy điều tra khổng lồ. Rất nhiều người rất căm ghét Tô Lâm, nhưng không thể làm gì được ông, bởi ông có những bằng chứng cụ thể, không thể nào chối cãi. Cuộc chiến mà Tô Lâm đã và đang phát động, là cuộc chiến một chiều. Chỉ có Tô Lâm tấn công người khác, chứ chưa có ai đủ sức tấn công lại Tô Lâm.
Có thể nói, chiêu bài “chống tham nhũng” của ông Trọng, đã đem lại lợi thế cho ông Tô Lâm. Các thế lực khác không thể dùng đòn đánh sở trường của Tô Lâm để phản công ông, bởi làm vậy là “tự sát”.
Chính trường khốc liệt, Tô Lâm là kẻ khó bị hạ nhất hiện nay, chứ không hẳn là không thể bị hạ. Vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu Tô Lâm có thể bị đồng chí của ông hạ không, và hạ bằng cách nào?
Những cái chết của Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Lê Văn Thành, và Nguyễn Chí Vịnh, liệu có miễn nhiễm với Tô Lâm hay không? Câu trả lời là không.
Nếu ông Tô Lâm bất cẩn, ông vẫn có thể góp mặt vào danh sách tử vong, vì nguyên nhân bất minh, như các “đồng chí” nêu trên của ông.
Hiện nay, thế chẻ tre của Tô Lâm đã không còn. Nhưng để cân bằng quyền lực với ông thì vẫn là bài toán khó đối với phần còn lại. Hy vọng lớn nhất là phe quân đội, nếu họ bỏ qua sự bất đồng nội bộ bấy lâu nay và liên kết lại, thì Tô Lâm cũng khó mà ngăn cản được.
Quân đội lâu nay vẫn được ưu tiên có nhiều uỷ viên Trung ương Đảng hơn công an, thậm chí, số uỷ viên Bộ Chính trị có lúc cũng đông hơn. Tuy nhiên, nội bộ quân đội lại cũng chia phe cánh, không thống nhất được. Đó là lý do khiến cho phe quân đội bị phe công an vượt mặt.
Nói về bộ phận tình báo, công an bị lép vế so với quân đội. Năm 2018, ông Trọng cho giải thể Tổng cục Tình báo Bộ Công an, tức Tổng Cục 5, thay bằng một cơ quan tình báo mới. Giờ đây, công an không có cơ quan tình báo mạnh như quân đội đang có.
Nếu nói, cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ có thể điều tra trong khuôn khổ pháp luật. Thì ngược lại, cơ quan tình báo quân đội có thể điều tra không giới hạn, và hành vi của họ được bảo đảm bí mật. Đây chính là thứ vũ khí lợi hại mà phe quân đội đang có. Liệu họ có sử dụng để nhắm vào Tô Lâm hay không?
Khi các phe phái khác bế tắc trong việc hạ bệ Tô Lâm, thì việc làm sao để Tô Lâm mắc “bệnh lạ”, cũng là một giải pháp có thể dùng. Vì thế, nếu không cẩn thận, ông hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của đòn hiểm này. Ngồi ngôi càng cao, càng tiềm ẩn nguy hiểm.
Trần Chương – Thoibao.de