Sự xấu xa của những kẻ mang danh nhà giáo và sự vô năng của chính quyền

Ngày 29/9, báo Tiếng Dân đăng bình luận “Cô giáo và laptop” của bác sĩ – Facebooker Võ Xuân Sơn.

Tác giả đề cập đến sự việc, cô giáo yêu cầu phụ huynh cung cấp tiền để mua cái laptop, rồi không chịu soạn đề cương bài giảng, do phụ huynh không đáp ứng yêu cầu, được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tác giả đánh giá, đây là một sự việc xấu, rất xấu. Có bạn sau đó đưa ra một ví dụ, ở bộ môn Mác-Lê, Đại Học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Bạn ấy kể về vụ thầy giáo thông báo mất cái xe Dream II, và nói, học sinh tính sao thì tính. Khi bạn ấy kể câu chuyện, tác giả nghĩ ngay đến một kẻ, mà lúc đó ông phải gọi là thầy.

Tác giả cho biết, bản thân ông đã 2 lần là nạn nhân của những kẻ như vậy trong cái bộ môn Mác-Lê ấy, một lần khi còn là sinh viên, và lần sau, khi học sau đại học.

Một kẻ điển hình trong nhóm đó đã bị ghi âm, ghi hình và sau đó bị bắt, kết án tù, đi tù, và hình như bây giờ đã mãn hạn tù. Đó là một trong những điển hình của những kẻ mang danh nhà giáo, nhưng luôn tìm cách trấn lột học sinh và phụ huynh học sinh của mình.

Tuy nhiên, tác giả nhận xét, nói cho cùng thì bọn đó chỉ là những cá nhân lẻ tẻ, hành động không có tổ chức. Chúng sử dụng quyền lực để trấn lột người khác, nhưng vì quyền lực của chúng nhỏ nhoi, nên những đòi hỏi của chúng cũng vụn vặt, tầm vóc của chúng cũng chỉ lóp ngóp đâu đó bên dưới đáy của xã hội.

Tác giả nhận định, chỉ buồn là, có rất nhiều kẻ có quyền lực lớn hơn, trấn lột những thứ to lớn hơn, vĩ đại hơn. Chúng hành động có tổ chức, những việc chúng làm có sức ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều, và không chỉ mang tính vật chất, hay tác động xã hội nhỏ lẻ, mà phá tan niềm tin, làm mất định hướng của cả một thế hệ. Thế nhưng, cái gọi là “dư luận” lại im thin thít, hay chỉ cho thông tin nhỏ giọt theo kiểu cho gì nói đó.

Theo tác giả, Thủ Thiêm là một ví dụ. Chưa kể những ví dụ đẫm máu khác. Đúng là, con mèo tha con cá thì đánh nó, còn con cọp bế con heo thì nín khe.

Trở lại vụ cô giáo xin tiền phụ huynh mua laptop, ngày 28/9, báo chí nhà nước cho biết, sự việc xảy ra ở lớp 4/3, trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, cô H. – giáo chủ nhiệm lớp 4/3, bị mất laptop, nên ngỏ ý muốn phụ huynh ủng hộ khoảng 5 – 6 triệu, cô bỏ vào 5 triệu, để mua lại laptop mới. Cô cũng nhắn tin xin phụ huynh chiếc laptop này.

Kết quả, có 3 phụ huynh không đồng ý, nên cô “dỗi”, không nhận laptop và “cũng không soạn đề cương ôn tập cho các con”.

Tuy nhiên, sau đó, khoản kê 6 triệu mua laptop vẫn thể hiện trong bảng chi phí, mà cô H. gửi Ban đại diện phụ huynh.

Sự việc bùng lên, khiến phụ huynh bức xúc và phản ánh với báo chí, là cô H. đã cho học sinh học qua tivi, YouTube quá nhiều, rồi tự làm bài tập theo. Nhiều học sinh không chép kịp, phải bỏ luôn…

Điều nực cười là, chiều 27/9, ông Lê Công Minh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chương Dương, cho báo chí biết,  cô H. đã sai hoàn toàn, nhưng ông chưa biết giải quyết sự việc thế nào. Rồi ông cho tổ chức một buổi hòa giải giữa cô H. và phụ huynh của lớp, để cô xin lỗi phụ huynh. Phụ huynh nào thấy bất an thì cho con chuyển lớp.

Thông tin mới nhất mà báo chí cho biết, chiều 28/9, bà Mai Thị Hồng Hoa – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận 1, đã làm việc với trường, yêu cầu tạm dừng đứng lớp với cô giáo H. Đồng thời hoàn trả tiền đóng góp mua laptop từ phụ huynh.

Một sự việc, tuy rất đáng xấu hổ, nhưng cũng chỉ bé tẻo teo, vậy mà, một Hiệu trưởng lại lúng túng không biết xử lý. Rồi Uỷ ban quận cũng nhảy vào chỉ đạo khẩn. Những điều này cho thấy sự vô năng của hệ thống công quyền ở Việt Nam.

 

Quang Minh – thoibao.de