Liệu ông Tô Lâm có phải là một nhà lãnh đạo cởi mở?

Ngày 1/10, BBC Tiếng Việt bình luận “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: cởi mở hơn, ủng hộ hòa giải và tự do học thuật?”

BBC nhắc lại, trong chuyến công tác tại Mỹ, từ ngày 22 đến ngày 25/9, ông Tô Lâm đã tham gia nhiều sự kiện và đề cập đến vấn đề hòa hợp, hòa giải.

Với tư cách là người đứng đầu Đảng và nhà nước, những phát ngôn của ông Tô Lâm gây nhiều chú ý, vì nó thể hiện tầm nhìn của nhà lãnh đạo mới. Việc ông làm diễn giả chính trong buổi tọa đàm ở Đại học Columbia, được đánh giá là một sự cởi mở, mạnh dạn của nhà lãnh đạo Cộng sản.

BBC dẫn lời cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam – Ted Osius, nói rằng, ông tin ông Tô Lâm “sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, vì quan hệ hữu nghị gắn kết là lợi ích chung của cả 2 dân tộc chúng ta”.

BBC cho biết, sự kiện kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ, diễn ra tại New York ngày 22/9, có sự tham dự của cựu Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, cùng nhiều quan chức, cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ.

Theo BBC, trong bài phát biểu tại sự kiện này, ông Tô Lâm đã nhắc đến vai trò của những “người phá băng”, và những người bạn thân thiết của Việt Nam, gồm Tổng thống Bill Clinton và các tổng thống kế nhiệm, các thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry,..

BBC tiếp tục dẫn lời cựu Đại sứ Ted Osius, cho biết, ông Tô Lâm đã phát biểu trong sự ngỡ ngàng rằng “ba mươi năm trước, chúng tôi không thể tưởng tượng được rằng, chúng ta sẽ tiến xa đến thế này”.

Cựu Ngoại trưởng John Kerry đã đáp lại tinh thần “tạo dựng tương lai” của ông Tô Lâm, nói rằng, Hoa Kỳ có thể ủng hộ tham vọng của Việt Nam, trở thành một cường quốc công nghệ, với nền kinh tế được thúc đẩy bởi trí tuệ nhân tạo và đổi mới, ông Osius kể lại.

Đại sứ Ted Osius còn nhắc đến các màn trình diễn nghệ thuật mang tính tôn vinh và tinh thần hòa giải của các nghệ sĩ tầm vóc quốc tế. Nhiều người trong số họ, theo ông Osius, đã sống cuộc đời giữa Mỹ và Việt, và giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai nước.

Tuy nhiên, BBC cũng cho biết, câu chuyện giữa người Việt với nhau lại không được chú trọng, thậm chí bị lảng đi.

Tại buổi nói chuyện tại Đại học Columbia, ông Tô Lâm đã tránh trả lời thẳng thắn về sự hòa giải giữa người Việt với nhau, sau chiến tranh. Ông không đề cập gì đến vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc, mà chỉ nói tới quan hệ Việt – Mỹ.

BBC nhận xét, gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh chấm dứt, trong khi, hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ có những bước tiến rõ rệt; thì việc hòa giải giữa những người Việt từng đứng 2 bờ chiến tuyến vẫn còn nhiều trắc trở. Một trong những biểu hiện nổi cộm là phong trào dư luận viên trên mạng, ngày càng tăng cường đả kích những gì liên quan đến Việt Nam Cộng hòa.

BBC cũng nhắc lại vụ tấn công vào Đại học Fulbright Việt Nam vừa qua.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông Ted Osius đã kể rằng, trong quá trình đàm phán về Fulbright Việt Nam, thì một trong những khâu khó khăn nhất là đảm bảo trường có được tự do học thuật, và việc Việt Nam đồng ý cho phép Fulbright Việt Nam ra đời, được coi là một bước đột phá.

Ông Ted Osius cũng nhắc đến phát biểu của ông Tô Lâm, rằng “cải cách giáo dục là điều cần thiết để Việt Nam có được một nền kinh tế đổi mới, được thúc đẩy bởi sự tiến bộ công nghệ”.

Ô Osius nói thêm rằng, một điều đương nhiên, Đại học Fulbright không phải là một phần hay mầm mống của cuộc “cách mạng màu” nào, mà trường đang tìm cách thúc đẩy tinh thần tìm tòi và đổi mới, trong số những sinh viên xuất sắc nhất của Việt Nam, từ khắp mọi miền đất nước.

Vẫn theo BBC, ông Tô Lâm cũng chỉ rõ “con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”.

Chưa rõ câu nói này mang ý nghĩa thực tiễn như thế nào, nhưng đây được cho là dấu hiệu của một sự cởi mở hơn, trong tư duy của nhà lãnh đạo có xuất thân từ ngành công an như ông Tô Lâm.

 

Ý Nhi – thoibao.de