Ngày 4/10, báo Tiếng Dân đăng bình luận “Việt Nam muốn lột xác ư? Chỉ thay đổi một cách làm là được…”, của tác giả Trần Văn Chánh.
Theo tác giả, ở những nước đi theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa, vì bị quản lý/ điều hành xã hội bằng phương thức lấy quyết định tập thể, nên từ cấp xã phường lên đến cấp Trung ương, người ta luôn họp hành liên miên.
Ở những người Cộng sản loạn họp, không có một cuộc họp nào mà lại không có câu kết “Hội nghị đã thành công tốt đẹp”, rồi cùng nhau vỗ tay rầm rầm. Rồi thì mạnh ai về nhà nấy, mỗi người đều tự cảm thấy an tâm, như đã hoàn thành được sứ mệnh/ nghĩa vụ cao cả đối với tập thể và đối với nhân dân.
Tác giả cho hay, thật ra, ở bất kỳ quốc gia văn minh nào, việc lãnh đạo, điều hành đất nước đều mang tính tập thể, qua việc tổ chức các nghị viện, hay các cuộc họp của triều đình phong kiến.
Riêng phương thức lãnh đạo tập thể Xã hội Chủ nghĩa thì đặc biệt hơn nhiều, vì nó dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm tập thể, cha chung không ai khóc, kết quả là… huề cả làng khi mọi việc bị vỡ lở!
Tác giả đánh giá, một số năm gần đây, lãnh đạo Việt Nam có sự sửa đổi tiến bộ, bằng cách quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Nhưng ngặt nỗi, chỉ có người đứng đầu ở các cấp trung gian là có thể bị kỷ luật, còn người “đứng đầu của đứng đầu” thì không sao cả.
Tác giả nhận xét, những nghị quyết của Đảng, như nghị quyết được đưa ra 5 năm một lần, chỉ toàn lý thuyết suông, được chuyển tải bằng những câu chữ sáo mòn, mà phần lớn đều dùng uyển ngữ. Trên thực tế, chưa bao giờ có một bản nghị quyết nào được thi hành đúng và đủ, nếu không muốn nói là ngược lại.
Tác giả nhận định, Trung Quốc và Việt Nam không còn đặc điểm nào gọi là Chủ nghĩa Xã hội nữa cả, mà đã đi theo chủ nghĩa tư bản từ lâu rồi. Nhưng lại là một thứ chủ nghĩa tư bản thân hữu và chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt, gây nên tình trạng tham nhũng và bất công xã hội kéo dài (gần giống chủ nghĩa tư bản man rợ ở thế kỷ 19).
Tác giả bình luận, muốn được người ta công nhận mình là kinh tế thị trường, thì tiếc gì không xóa bỏ cái đuôi Xã hội Chủ nghĩa trong các bản nghị quyết?
Tuy nhiên, vẫn theo tác giả, chúng ta không thể đòi hỏi những người Cộng sản từ bỏ ngay những điều họ không thể từ bỏ được.
Thời gian gần đây, chính trường Việt Nam đang có sự biến đổi độc đáo chưa từng thấy trong lịch sử, với sự đi lên của một viên tướng xuất thân từ công an. Các hoạt động của ông được đánh giá là có nhiều triển vọng, theo hướng cởi mở, thực tế, ít giáo điều hơn, so với người tiền nhiệm vừa qua đời.
Tác giả tiếp tục bình luận, người đời nên động viên, lên dây cót tinh thần cho ông, thay vì tìm cách soi vào những hạn chế về mặt tư tưởng, mà nhất thời, trong hoàn cảnh cụ thể nội bộ chính trị Việt Nam, ông chưa thể nào thoát khỏi ra ngay được…
Tác giả đề xuất, mấy nội dung thấu tình đạt lý mà Tổng Bí thư phát biểu đây đó, thì nên bổ sung ngay vào Nghị quyết của Đại hội 14, sẽ diễn ra đầu năm 2026.
Tiếp đó, nên chăng, đặt ra vấn đề kiên quyết dứt khoát dẹp bỏ loại Đại hội 5 năm và các bản báo cáo chính trị, nghị quyết kèm theo.
Việc họp hành nên tập trung cho từng chủ đề cụ thể, để giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh, trong từng lúc, từng giai đoạn đặc thù, chứ không lấy nghị quyết 5 năm làm tiêu chí chung bàn luận giải quyết vấn đề.
Về bổ nhiệm nhân sự, tác giả đề nghị, nên lấy từ những cán bộ địa phương đề bạt lên, chọn trong số những người có thành tích tốt được tập thể và nhân dân kỳ vọng.
Quan trọng nhất, tác giả cho rằng, phải coi Hiến pháp đúng với bản chất, vai trò, chức năng của nó, là bộ luật khung căn bản cao nhất, chi phối toàn bộ hoạt động của quốc gia, mà tất cả mọi thành viên không phân biệt địa vị, chức tước trong xã hội, đều phải nghiêm túc chấp hành. Nếu thực thi đúng Hiến pháp, thì mọi công dân hội đủ điều kiện về tuổi tác, sức khỏe, đều được tham gia bầu cử và ứng cử, không có nạn cơ cấu – quy hoạch sẵn bằng 2 – 3 vòng xét duyệt…
Làm được như vậy, Quốc hội mới thật sự có chất lượng và thực quyền, mới có thể bỏ phiếu thông qua những điều luật hợp lòng dân, hoặc bác bỏ những dự án luật do hành pháp đưa ra mà không phù hợp.
Hoàng Anh – thoibao.de