Nên tổ chức trưng cầu dân ý về dự án đường sắt cao tốc

Ngày 4/10, VOA Tiếng Việt bình luận “Việt Nam cần tổ chức trưng cầu dân ý về đề án đường sắt cao tốc?”.

Theo VOA, trong tháng 10, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, với mức đầu tư hàng chục tỷ đô la, sẽ được trình lên Quốc hội, để cơ quan này thông qua chủ trương đầu tư. Những ngày gần đây, nổi lên nhiều cuộc tranh luận, về việc có nên tiến hành dự án này hay không, và cũng xuất hiện những lời đề nghị cần trưng cầu dân ý.

VOA dẫn báo chí Việt Nam, đưa tin hôm 1/10 rằng, một Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, Chính phủ chọn phương án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, với tốc độ thiết kế là 350 km/h, tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ đô la, và dự kiến hoàn thành vào năm 2035.

Theo vị Thứ trưởng này, trong nửa cuối tháng 9, Bộ Chính trị đã ra kết luận về chủ trương đầu tư dự án, và bước tiếp theo là đưa chủ trương này ra Quốc hội, để được phê duyệt trong tháng 10 này.

VOA cho biết, trong thời gian gần đây, trên các cơ quan truyền thông chính thống của Việt Nam lẫn trên mạng xã hội, có nhiều bài viết và ý kiến ủng hộ dự án, giúp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cũng như tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

Ở chiều ngược lại, cũng có không ít bài viết và ý kiến tỏ ra trăn trở, lo ngại về các vấn đề, như: lấy đâu nguồn vốn để thực hiện dự án; liệu có đội vốn, chậm tiến độ, như đã xảy ra với nhiều dự án của nhà nước trong quá khứ; hiệu quả trong tương lai ra sao, khi mà phần lớn các dự án đường sắt tương tự ở nước ngoài bị lỗ, và nguy cơ Việt Nam sẽ bị rơi vào bẫy nợ của nước ngoài.

VOA cũng cho biết, bên cạnh vô số những lập luận trái chiều nhau gồm ủng hộ, phản biện, phản đối dự án, cũng có không ít người đề nghị cần trưng cầu dân ý về dự án. Những người này viện dẫn Luật trưng cầu ý dân của Việt Nam đã có từ năm 2015.

Luật này quy định “Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước” là một trong những mục mà Quốc hội có thẩm quyền xem xét, quyết định trưng cầu ý dân.

VOA dẫn nhận xét của luật sư Hoàng Văn Hướng:

“Đường sắt cao tốc là một trong những dự án rất lớn, trải dài khắp đất nước. Về quy mô đầu tư, ảnh hưởng về xã hội, về địa lý, thì nên làm trưng cầu dân ý, lấy ý kiến của nhân dân. Chúng ta có luật rồi. Cái đó thể hiện tính dân chủ của một xã hội.”

VOA dẫn ý kiến của luật sư Hà Huy Sơn, chỉ ra rằng, điều cốt lõi là thể chế chính trị của Việt Nam. Ông nói:

“Trong Hiến pháp, Điều 4 quy định là Đảng lãnh đạo nhà nước. Trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, Hiến pháp chỉ là thể hiện Cương lĩnh của Đảng thôi. Tôi cho là trưng cầu dân ý cũng thể hiện ý chí của Đảng thôi.”

VOA dẫn nhận định của Facebooker Dương Quốc Chính, nhà bình luận thời cuộc độc lập, cho rằng: “Việc này chắc không khả thi đâu vì chưa có tiền lệ nào như vậy cả”.

Theo ông Chính, với thực tế là gần như không thể có cơ hội để thể hiện lập trường qua một cuộc trưng cầu dân ý, những người muốn phản biện, hay phản đối dự án, chỉ có thể hy vọng vào “dư luận, mạng xã hội”, để tác động đến các đại biểu Quốc hội, thậm chí đến các thành viên Trung ương Đảng, hay Bộ Chính trị.

Vẫn theo VOA, đối với những ý kiến hoài nghi về mức độ đáng tin cậy của trưng cầu dân ý, luật sư Hướng cho rằng, “không có gì phải sợ”, nếu việc trưng cầu được làm “đúng luật, khách quan, dân chủ, đảm bảo tính minh bạch, giám sát của tất cả các bên”.

VOA cho hay, họ đã liên lạc với Quốc hội Việt Nam để tìm hiểu quan điểm, nhưng chưa nhận được hồi đáp.

 

Quang Minh – thoibao.de