Ngày 5/10, BBC Tiếng Việt bình luận “Trung Quốc hành hung ngư dân Việt Nam: Phép thử ngoại giao cho ông Tô Lâm?”
BBC cho biết, Mỹ, Anh, Canada, Úc, Philippines… đồng loạt lên án việc lực lượng chấp pháp Trung Quốc đánh bị thương, tịch thu tài sản ngư dân Việt Nam, vào ngày 29/9.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu đích danh tên Trung Quốc, trong tuyên bố được đánh giá là mạnh mẽ và thẳng thắn hơn những lần trước, gọi cách đối xử của Trung Quốc với các ngư dân là “thô bạo”, vào tối 2/10.
BBC lưu ý, những ngày gần đây, báo chí nhà nước Việt Nam cũng đăng một số bài viết, về những hành động nguy hiểm của Hải cảnh Trung Quốc, lên án hành động tấn công ngư dân Quảng Ngãi, gọi đây là hành động “phi pháp”.
BBC nhắc lại, Hải chiến Hoàng Sa vào năm 1974 là một dấu mốc quan trọng, khi Trung Quốc hoàn thành việc chiếm hữu trên thực tế đối với quần đảo này, sau một trận chiến ngắn ngủi với Việt Nam Cộng hòa.
Trận hải chiến cách đây hơn 50 năm đã giúp Trung Quốc tạo lập những “tiền đồn” vững chắc, từ đó, đẩy mạnh các yêu sách của họ trên Biển Đông. Cũng từ đó, Biển Đông trở thành một trong những nơi rất dễ phát sinh xung đột.
BBC cũng cho biết, cho đến nay, Trung Quốc không có tuyên bố chính thức nào liên quan đến vụ việc trên, ngoại trừ phần trả lời một hãng tin quốc tế vào ngày 1/10.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, các tàu cá của Việt Nam đã đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, mà không được Chính phủ Trung Quốc cho phép, và các cơ quan chính quyền Trung Quốc hữu quan đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến vụ tấn công ngày 29/9.
Trong khi đó, BBC dẫn nhận định của một tổ chức nghiên cứu Biển Đông, có trụ sở tại Bắc Kinh, viết trên trang X, đổ lỗi cho các ngư dân Việt Nam, vì đã dùng dao, chĩa, gậy gộc, buộc Hải cảnh Trung Quốc không có nhiều lựa chọn nhẹ nhàng.
BBC bình luận, vụ tấn công ngư dân này, diễn ra trong bối cảnh, sau khi Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 19 đến 20/8.
Trong cuộc hội đàm giữa ông Tô Lâm và ông Tập Cận Bình, hôm 19/8, 2 bên khẳng định, vấn đề kiểm soát, giải quyết các bất đồng trên Biển Đông, giữa Việt Nam và Trung Quốc, là một trong những vấn đề hàng đầu.
BBC cho rằng, cách tiếp cận của Việt Nam đối với vấn đề Trung Quốc rất khác Philippines.
Việt Nam luôn có các tuyên bố mang tính khuôn sáo, tránh đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, trong các vụ việc mà Việt Nam không phải là nạn nhân của họ.
Giờ đây, khi Philippines đã lên án Trung Quốc mạnh mẽ, trong vụ tàu cá Quảng Ngãi bị tấn công, thể hiện sự sát cánh với Việt Nam. Đây có lẽ cũng là điều khó xử cho Việt Nam trong tương lai, trong một kịch bản giả định, là tàu Trung Quốc có hành vi tấn công tương tự đối với tàu cá của Philippines.
BBC trích đánh giá của Giáo sư Alexander L Vuving, từ Mỹ, viết trên mạng xã hội X vào ngày 3/10, cho rằng, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam lần này “mạnh hơn so với quá khứ”.
“Trung Quốc không vui với tân lãnh đạo của Việt Nam và ông cũng ít hữu hảo hơn với Trung Quốc” – Giáo sư Vuving nhận định.
Theo BBC, có thể thấy, sau vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014, Việt Nam đã có những bước đi thận trọng trong quan hệ song phương, đôi khi tránh gọi đích danh Bắc Kinh trong các vụ ngư dân bị tấn công, thay vào đó, gọi là “tàu lạ”, “tàu nước ngoài”, đồng thời đảm bảo ổn định chính trị trong nước.
Nhưng lần này, Hà Nội đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, rõ ràng, trực diện.
BBC dẫn nhận xét của Tiến sĩ Bill Hayton, từ một Viện Nghiên cứu ở Anh, viết trên X:
“Việt Nam có thể dễ dàng che đậy chuyện này, nhưng họ đã phát đi thông điệp chống Trung Quốc mạnh mẽ và rõ ràng…”
Quang Minh – Thoibao.de