Ngày 6/10, BBC Tiếng Việt cho hay “Bộ Công an sửa đổi quy định giám sát cảnh sát giao thông, ảnh hưởng thế nào?”
BBC cho biết, trong Thông tư 46/2024 mới ban hành, Bộ Công an đã bãi bỏ quy định về việc người dân giám sát cảnh sát giao thông, bằng thiết bị ghi âm, ghi hình; đồng thời giảm bớt nội dung lực lượng công an phải công khai “trang phục, số hiệu công an nhân dân”, khi thực hiện nhiệm vụ.
BBC dẫn quan điểm của Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, cho rằng, việc sửa đổi quy định này sẽ “tác động rất lớn đến sự tự tin của người dân trong việc ghi âm, ghi hình”, nhất là đối với người thiếu hiểu biết.
“Nó tạo ra “vùng xám” về mặt pháp lý, do thiếu quy định cụ thể. Tạo sự mơ hồ cho cán bộ trong xử lý tình huống liên quan. Làm giảm động lực giám sát, ảnh hưởng đến tính minh bạch của hoạt động công vụ. [Có] nguy cơ hiểu nhầm việc bỏ quy định là hạn chế quyền ghi âm, ghi hình.”
BBC dẫn báo Chính phủ, cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này, là do Bộ Công an đánh giá rằng, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông “có lúc, có nơi chưa khách quan, chưa đúng quy định, lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông và chia sẻ lên mạng xã hội”.
Bộ Công an còn giải thích rằng, có “một số đối tượng chống đối đã lợi dụng, xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi, gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông”.
Theo Luật sư Sơn, cần cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan, tức, đảm bảo quyền giám sát của công dân để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của lực lượng thực thi pháp luật, cũng như bảo vệ quyền riêng tư và an toàn cho cán bộ cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ.
BBC dẫn phần bình luận dưới bài đăng về sự thay đổi này trên báo Tuổi Trẻ Online, nhiều người cho rằng, việc bỏ quy định này có thể khiến người dân không còn “bằng chứng”, nếu có sai phạm xảy ra trong quá trình làm việc với cảnh sát giao thông.
Theo BBC, cần làm rõ rằng, dù quy định trên đã được bỏ đi, người dân vẫn có thể ghi âm, ghi hình khi làm việc với cảnh sát giao thông. Nguyên tắc cơ bản của pháp luật là, người dân được phép làm những gì pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, việc giám sát cần đảm bảo:
- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ;
- Không được vào khu vực thực thi công vụ, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan;
- Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
BBC trích dẫn tài khoản Facebook cá nhân của nhà báo Đoàn Bảo Châu, cho rằng:
“Việc loại bỏ hình thức ghi âm, ghi hình có thể hạn chế quyền giám sát và tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời có thể khiến tình trạng lạm dụng quyền khi thi hành công vụ trở nên trầm trọng hơn.”
“Tôi không tin rằng, việc hạn chế ghi âm, ghi hình là nhằm bảo đảm an ninh trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Giao thông là hoạt động diễn ra công khai trên đường phố, không phải là hoạt động bí mật cần phải “bảo đảm an ninh”.”
BBC cũng cho biết, việc cảnh sát giao thông Việt Nam “nhận mãi lộ”, từng được báo chí đưa tin. Ví dụ, vào tháng 11/2020, 9 cảnh sát giao thông ở Tiền Giang bị kỷ luật, vì nhận mãi lộ, theo đơn tố cáo của người dân.
Trên các trang mạng xã hội, không thiếu những video quay cảnh làm việc với cảnh sát giao thông, với cáo buộc, những cán bộ này “nhận mãi lộ”.
BBC nhắc đến một vụ điển hình gây tranh cãi là vụ “logo xe vua”, xảy ra vào năm 2022, do chỉ có người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ, mà không xác định được người nhận hối lộ.
Khi đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nêu đích danh tên 80 cán bộ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, nhận hối lộ, cụ thể địa điểm nhận hối lộ.
Nhưng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an nói rằng, chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ của cán bộ giao thông liên quan. Tuy nhiên, có 9 bị cáo bị kết án tù do tội đưa hối lộ.
Hoàng Anh – thoibao.de