Chi 4 tỷ xây mộ cho chính mình, vì chết mới là cõi vĩnh hằng

Ngày 9/10, BBC Tiếng Việt cho hay “Đôi vợ chồng già chi 4 tỷ đồng để xây mộ cho chính mình, vì sao?”

Theo đó, dù không phải đại gia hay thuộc gia đình hoàng tộc, nhưng cặp vợ chồng già – cụ ông Hồ Văn Thiết (sinh năm 1939) và cụ bà Văn Thị Thuận (sinh năm 1940), ở làng An Bằng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã chi khoảng 4 tỷ đồng để xây ngôi mộ hoành tráng cho chính mình.

BBC cho biết, dù tới thời điểm này, 2 ông bà trông vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn, thế nhưng khu mộ kể trên đã được xây từ năm 2017 đến 2019. Với số tiền 4 tỷ đồng để xây mộ, 2 ông bà có thể mua được một căn hộ khang trang ở Sài Gòn.

Theo BBC, phần lớn kinh phí cho nơi an nghỉ cuối cùng này, đến từ tiền tích lũy của 2 ông bà trong hàng chục năm qua, và mỗi người con trai góp thêm vào 5.000 USD. Ông bà có với nhau 8 người con trai và 1 người con gái, trong đó người con đầu đã 66 tuổi.

BBC dẫn lời cụ Thiết cho hay, từ năm 1980 đến 1985, 3 người con của ông bà vượt biên sang Mỹ. Sau đó, họ lần lượt bảo lãnh cho ông bà và anh chị em qua Mỹ định cư. Tới năm 2008 thì ông bà về quê lại vì thấy buồn.

Từ khi ổn định cuộc sống, con cái bắt đầu gửi tiền về Việt Nam để chu cấp cho ông Thiết và bà Thuận.

Giải thích về việc bỏ nhiều tiền để xây lăng mộ, cụ Thiết nói:

“Nếu chúng tôi mà không xây, thì con cháu bên đó cũng đau đáu rằng, mình không làm tròn bổn phận, làm tròn chữ hiếu. Mà giờ có mồ mả đẹp rồi, thì bản thân chúng tôi cũng không phải lo lắng về nơi an nghỉ nữa.”

BBC cho rằng, xây lăng mộ trước cho người còn sống, gọi là sinh phần, là một tập tục có từ xưa, từ các bậc vua chúa cho đến thường dân. Truyền thống này vẫn còn lưu giữ tại nhiều nơi ở Việt Nam.

Ông Thiết nói rằng, như nhiều người ở đây, ông bà quan niệm “sống cái nhà, thác cái mồ”. Ông bà cũng tin rằng, sống chỉ là tạm bợ còn cái chết mới là cõi vĩnh hằng. Do đó, họ xem nhà cửa khi sống chỉ cần vừa đủ, còn mồ mả – nơi mình an nghỉ vĩnh viễn – mới cần hoành tráng.

Vẫn theo BBC, nghĩa trang An Bằng nổi tiếng với biệt danh “thành phố lăng mộ”, hay “thành phố của người chết”, có hàng ngàn ngôi mộ đồ sộ, cầu kỳ, san sát nhau, tạo nên một quang cảnh độc đáo, thu hút sự tò mò của nhiều du khách.

BBC dẫn lời một người dân An Bằng, nói:

“Người dân An Bằng trước kia sống bằng nghề chài lưới. Sau khi chiến tranh kết thúc, đời sống trở thiếu thốn, nghèo đói.”

“Đến khoảng năm 1977, nhiều người đã chọn cách vượt biên.”

“Đa số những người may mắn thì đến được Mỹ và Úc. Họ tiếp tục nghề đánh cá với các tàu nước ngoài, và kiếm được nhiều tiền. Họ nghĩ mình sống sót và trúng mánh là phúc phận lớn, là nhờ có ông bà, tổ tiên phù hộ. Thế nên họ gửi tiền về quê nhà để xây lăng tẩm.”

“Dần dần hình thành hiện tượng “con gà tức nhau tiếng gáy” ở trong làng. Khi một gia đình xây một ngôi mộ hoành tráng, các nhà khác có xu hướng tân trang mộ ông bà mình, để trông bề thế hơn, thậm chí, có trường hợp đập đi xây mới hoàn toàn, dù đã bỏ hàng trăm triệu đồng xây ngôi mộ trước đó” – người này cho biết.

BBC dẫn lời Kiến trúc sư Nguyễn Phước Bảo Hoàn, nói:

“Phần lớn kinh phí [xây lăng mộ] được chi trả cho những người “thợ kép”, tức những người chuyên đắp, ghép sành sứ hình rồng phượng cho đền đài, lăng tẩm. Số thợ kép lành nghề hiện nay khá ít và làm những việc như vậy cũng đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và kỹ năng.”

Ông Bảo Hoàn cho biết, khi phục dựng các kiến trúc cung đình Huế, bên thi công phải mua sành sứ được vớt từ dưới đáy sông Hương, nhằm đảm bảo sự cổ kính, mà giá của loại vật liệu đó thì vô cùng đắt. Một số hộ gia đình ở An Bằng cũng có thể chi nhiều tiền vào vật liệu như vậy.

Tuy có nhiều chi tiết lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống, cung đình, nhưng phần lớn các ngôi mộ ở nghĩa trang An Bằng, theo Kiến trúc sư Bảo Hoàn, được thiết kế không theo quy chuẩn cụ thể nào, mà theo ý thích cá nhân nhằm thể hiện sự hào nhoáng, xa hoa.

 

Quang Minh – thoibao.de