Lộ trình dân chủ hoá cho Việt Nam

Ngày 12/10, trên Diễn đàn của VOA Tiếng Việt có bài “Chính sách đối ngoại và lộ trình dân chủ hóa Việt Nam: Định hình tương lai với phương Tây”, của Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada.

Theo tác giả, dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và mở rộng các mối quan hệ quốc tế, nhưng mô hình chính trị hiện tại của Việt Nam vẫn cản trở sự phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế.

Với hệ thống độc đảng, những quyền tự do cơ bản, như tự do báo chí, hội họp, và quyền công dân, chưa được bảo đảm đầy đủ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà còn giới hạn tiềm năng phát triển quốc gia, và làm suy yếu vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tác giả cho rằng, trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, việc chuyển đổi thể chế sang một nền dân chủ đa nguyên sẽ giúp Việt Nam duy trì độc lập, tự chủ, đồng thời khẳng định vị thế là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tác giả phân tích, khi Việt Nam chia sẻ các giá trị dân chủ và tự do với các nước phương Tây, sự hợp tác sẽ trở nên bền vững và có ý nghĩa chiến lược hơn. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Liên minh châu Âu, và các đồng minh NATO, thường ưu tiên các mối quan hệ với các quốc gia có nền tảng dân chủ vững chắc. Điều này giúp bảo đảm rằng, các quyết định chiến lược sẽ không bị chi phối bởi sự thay đổi đột ngột trong chính sách, hoặc sự bất ổn về chính trị, vốn thường xảy ra ở các quốc gia có chế độ độc tài.

Với một hệ thống chính trị minh bạch và có trách nhiệm giải trình, Việt Nam dân chủ sẽ có thể tạo dựng được lòng tin và sự hợp tác lâu dài với phương Tây.

Tác giả đánh giá, một nền dân chủ sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa cơ cấu và tư duy quốc phòng, phù hợp hơn với các tiêu chuẩn và yêu cầu của phương Tây, giúp Việt Nam gia tăng khả năng tự vệ trước các thách thức an ninh, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Một Việt Nam dân chủ sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư phương Tây, giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Ngoài ra, dân chủ hóa cũng sẽ mở rộng cửa cho Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia phương Tây, bởi các điều kiện liên quan đến cải cách chính trị và quyền con người, thường được gắn liền với các hiệp định thương mại này.

Tác giả cho biết, một quá trình dân chủ hóa thành công, cần xuất phát từ bên trong xã hội Việt Nam.

Cải cách thể chế có thể bắt đầu từ việc từng bước mở rộng các quyền tự do dân sự, tự do báo chí, và tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội dân sự. Điều này tránh cho đất nước rơi vào tình trạng bất ổn, khi thay đổi chế độ đột ngột.

Với phương Tây, tác giả nhận xét, bằng cách hỗ trợ Việt Nam trong việc cải cách thể chế, phương Tây có thể tạo ra một đối trọng mạnh mẽ, trước sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Phương Tây có thể hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác phát triển, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị nhà nước và pháp luật, cũng như cung cấp các nguồn lực để thúc đẩy giáo dục và đào tạo. Đồng thời, các nước phương Tây cần gia tăng sức ép lên Việt Nam trong các vấn đề về nhân quyền, khuyến khích các nỗ lực cải cách từ bên trong. Sự kết hợp giữa áp lực và hỗ trợ sẽ tạo động lực thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam.

Vẫn theo tác giả, xã hội dân sự và tầng lớp trí thức trẻ đóng vai trò quan trọng trong quá trình dân chủ hóa Việt Nam. Các tổ chức xã hội dân sự cần được khuyến khích phát triển, để tạo ra một không gian công khai cho các cuộc thảo luận về chính trị và xã hội.

Tác giả kết luận, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để thực hiện chuyển đổi thể chế, và trở thành một quốc gia tự do, dân chủ, phù hợp với các giá trị phương Tây.

Dân chủ hóa không chỉ giúp nâng cao đời sống của người dân, mà còn củng cố vị thế chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh khu vực và toàn cầu.

 

Ý Nhi – thoibao.de