Khái niệm kinh tế thị trường là đặc trưng của Chủ nghĩa Tư bản. Đây là điều trái ngược hoàn toàn với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, theo mô hình Xô Viết của các quốc gia Cộng sản, trong đó, các doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên, ưu đãi và là động lực của nền kinh tế.
Ban lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định, Việt Nam là một quốc gia Xã hội Chủ nghĩa, nhưng mặt khác, họ vẫn đề nghị Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây công nhận “Việt Nam có một kinh tế thị trường”.
Đây là điều hết sức mâu thuẫn.
Truyền thông nhà nước mới đây đã đồng loạt đưa tin, “134 doanh nghiệp nhà nước lỗ hơn 115.000 tỷ đồng”. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối 2023, 134 doanh nghiệp có vốn nhà nước, đã lỗ lũy kế 115.270 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,6 tỷ USD.
Theo đó, trong năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN là một trong những doanh nghiệp thua lỗ nặng nề nhất, với khoản lỗ 26.700 tỷ đồng. Tổng công ty Xi măng Việt Nam VICEM lỗ 1.078 tỷ đồng. Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ hơn 8.850 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023. Tại thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines là âm 8.377 tỷ đồng…
Vẫn có một vài doanh nghiệp nhà nước kinh doanh độc quyền báo lãi, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, lãi gần 56.400 tỷ đồng. Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam TKV lãi 6.329 tỷ đồng. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel lãi 46.331 tỷ đồng.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước lên đến hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Nhưng cũng trong năm 2023, các doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ đóng góp được hơn 365.500 tỷ đồng vào ngân sách. Đây là con số lợi nhuận quá khiêm tốn, cũng như, hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả.
Trong nền kinh tế thị trường, có 1 nguyên tắc rất quan trọng cần phải được áp dụng triệt để. Đó là, lĩnh vực nào tư nhân đảm trách được, thì các doanh nghiệp nhà nước sẽ không tham gia, và tất cả các doanh nghiệp nhà nước phải được cổ phần hóa, để đảm bảo kết quả kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất.
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam kinh doanh lỗ lã triền miên trong nhiều năm, nhưng không có doanh nghiệp nào tuyên bố phá sản?
Ngược lại, lãnh đạo của các doanh nghiệp này vẫn giàu lên nhanh chóng, mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN là một trong những ví dụ điển hình.
Trong năm 2023, xếp hạng bê bối nhất của năm, chắc chắn sẽ thuộc về Bộ Công thương và EVN. Đây là cơ quan đã có nhiều lãnh đạo dính líu đến tham nhũng, bị khởi tố bắt giam, cũng như bị kỷ luật nhiều nhất.
Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2023, EVN đã 2 lần tăng giá điện, với tổng mức tăng là 7,5%. Việc tăng giá không minh bạch, vô tội vạ của EVN và Bộ Công thương, làm cho doanh nghiệp và người dân hiện đang khó khăn, lại càng khó khăn hơn.
Tại sao, Đảng và nhà nước không cho cổ phần hóa Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, và từ bỏ độc quyền lĩnh vực kinh doanh điện?
Câu trả lời: Vì đây là một chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu. Họ luôn duy trì EVN như một con “ngáo ộp”. Đồng thời, sử dụng EVN như một thứ bung xung, với mục đích để trút hết mọi lỗ lã vào việc tăng giá điện, buộc người dân phải gánh chịu thay cho nhà nước.
Vì vậy, tổng chỉ huy nhóm lợi ích của ngành điện lực, không ai khác là cựu Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, mặc dù đã có những biểu hiện tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích trục lợi, nhưng vẫn không bị xử lý và bình an vô sự.
Theo giới chuyên gia, để công cuộc cải cách thành công, Chính phủ Việt Nam cần cho tư nhân hóa ngay lập tức các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời cho phép tư nhân tham gia vào các lĩnh vực đặc biệt, để tăng tính cạnh tranh. Đây là điều tiên quyết, và nó sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh.
Trà My – Thoibao.de