Hồi tháng 8, ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, cho biết, theo Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội khóa 15 sẽ bầu lại chức danh Chủ tịch nước, tại kỳ họp thứ 8, vào tháng 10/2024. Một số nguồn tin khả tín đánh giá, khả năng cao, ông Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư sẽ trở thành tân Chủ tịch nước.
Thông thường, vị trí Thường trực Ban Bí thư không đủ quyền lực để làm Tập Cận Bình chú ý. Ông Tập chỉ quan tâm tới vị trí Tổng Bí thư, và những người có khả năng sẽ leo lên vị trí này, bởi đây là vị trí đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Tập chỉ cần nắm đầu Tổng Bí thư, là có thể điều khiển mọi thành phần còn lại. Trước đây, Tập Cận Bình khá an tâm với một “bề tôi” trung thành, là ông Nguyễn Phú Trọng.
Còn nhớ, năm 2011, khi ông Nguyễn Phú Trọng đã là Tổng Bí thư, và biết chắc, ông Tập Cận Bình sẽ thay ông Hồ Cẩm Đào. Nhân chuyến thăm của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lúc đó, ông Trọng cho một rừng cờ 6 sao chào đón “hoàng đế Trung Hoa tương lai”.
Quả thật, sau khi lên nắm quyền tối cao ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã sử dụng ông Trọng một cách hiệu quả. Ông Trọng giúp ông Tập, làm cho toàn Đảng CSVN phải vâng theo ý chỉ của Tập. Ngược lại, ông Tập giúp ông Trọng ngồi ngai vàng suốt đời, và cứu sống ông trong vụ “đột quỵ tại Kiên Giang”, cũng như kéo dài tuổi thọ cho ông thêm 5 năm.
Khi vừa mới lên Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cũng đã thực hiện nghĩa vụ “triều bái”, ông sang Bắc Kinh trước, rồi mới đi Mỹ sau. Tuy nhiên, có vẻ như, ông Tập vẫn chưa hài lòng với Tô Lâm, vì đã làm phản với ông Trọng. Đây chính là cơ hội lớn, để những kẻ khác trong Đảng tranh thủ sự ủng hộ của ông Tập, để ngoi lên thành thế lực mới.
Ngày 11/10, Tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, người được cho là có thể sẽ lên Chủ tịch nước, được Tập Cận Bình gọi sang Bắc Kinh. Tất nhiên, đây là cơ hội để trở thành “bề tôi tốt”, nên ông Lương Cường không thể bỏ lỡ. Trong lần đi “chầu” này, ông được “hoàng đế Trung Hoa” ưu ái, cho hội kiến cùng. Theo báo chí nhà nước, chuyến đi của ông Lương Cường là để chúc mừng 75 năm Quốc khánh Trung Quốc.
Hiện nay, trong quân đội chia làm 2 phe lớn. Mạnh nhất là phe của Phan Văn Giang. Ông Giang nắm chắc Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Tình báo quân đội.
Ông Lương Cường nắm Tổng cục Chính trị. Đây chính là cơ quan từng giật dây dư luận viên, đánh vào Đại học Fulbright – một biểu tượng hợp tác giáo dục Việt Mỹ. Thủ lĩnh trong chiến dịch này là Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Nghĩa và ông Cường đều là xuất thân từ Tổng cục Chính trị Quân đội. Đây được xem là nơi có tư tưởng nô lệ Bắc Kinh nặng nhất hiện nay. Năm 2021, ông Trọng kéo Tướng Nghĩa từ Tổng cục Chính trị sang nắm chức Trưởng ban Tuyên giáo, nhằm điều khiển báo chí nhà nước theo đường lối thân Tàu. Đến tháng 5/2024, ông Trọng lại kéo Tướng Lương Cường về Ban Bí thư, để trấn giữ Ban này, trước các đòn đánh phá của Tô Lâm.
Ông Trọng nhờ ngả về Bắc Kinh, nên sau đó đã quật được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – thế lực mạnh nhất chính trường Việt Nam lúc đó. Giờ đây, có vẻ như, ông Lương Cường đang muốn làm điều tương tự, trước khi lên Chủ tịch nước chăng?
Chưa chắc ông Tô Lâm đã dám rời xa quỹ đạo Bắc Kinh. Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy, ông đã khiến Tập Cận Bình không yên tâm, đặc biệt là chuyến đi Mỹ tháng 9 vừa qua.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cũng có chuyến đi Mỹ rất ồn ào. Đây cũng là điều mà Tập Cận Bình không thích.
Cả Phan Văn Giang và Tô Lâm đều thực hiện hành động “đu dây” ngoại giao, chứ chưa chắc là ngả về phía Mỹ. Tuy nhiên, điều đó có thể khiến Tập Cận Bình không yên tâm, và rất có thể, Tập sẽ xây dựng thế lực khác ngoan ngoãn hơn chăng?
Hãy chờ xem!
Trần Chương – Thoibao.de