Một chuyến đi Bắc Kinh đầy “khuất tất” của tướng Lương Cường

Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 sẽ khai mạc ngày 21/10. Nội dung họp lần này bao gồm việc bầu tân Chủ tịch nước, thay cho ông Tô Lâm. Khả năng cao, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường sẽ đảm trách chức vụ này.

Như vậy, các ghế “Tứ trụ” quyền lực nhất, sẽ do 4 cá nhân nắm giữ, thay vì 3 cá nhân như hiện nay. Quan trọng hơn, sự phân quyền này sẽ đưa thể chế chính trị Việt Nam trở lại nguyên tắc lãnh đạo tập thể, vốn được duy trì từ năm 1986, sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời.

Đó là lý do tại sao, thông tin ông Lương Cường hội kiến Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 10/10, đã được công luận hết sức quan tâm.

Thường Trực Ban Bí thư Lương Cường thăm Trung Quốc từ ngày 9 đến 12/10, theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đáng chú ý là, khác với các chuyến thăm cấp cao gần đây của lãnh đạo Việt Nam, truyền thông trong nước không đưa tin trước và trong chuyến thăm này.

Phải 2 ngày sau khi ông Lương Cường tới Bắc Kinh, đêm 11/10 báo chí trong nước mới bắt đầu đưa tin, về cuộc gặp giữa ông Lương Cường với ông Tập Cận Bình, và cuộc hội đàm với người đồng cấp – ông Thái Kỳ.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao, chuyến đi Trung Quốc của Thường trực Ban Bí thư Lương Cường lại diễn ra trong lặng lẽ, thậm chí có vẻ “khuất tất” như vậy?

Điều đó liên quan gì tới việc gần đây, có nhận định cho rằng, Ban lãnh đạo Bắc Kinh đã bày tỏ thái độ không hài lòng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong các hoạt động đối ngoại gắn kết với Hoa kỳ và Phương Tây?

Ông Lương Cường thăm Trung Quốc, ngay sau sự kiện lính Trung Quốc tấn công, đánh đập ngư dân Quảng Ngãi, gây thương tích, khi họ đang khai thác thủy sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cùng thời điểm Tướng Lương Cường sang “chầu” Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, thì tại Viêng Chăn – thủ đô Lào, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra.

Đáng chú ý, ngay sau khi Thủ tướng Trung quốc Lý Cường phát biểu, cam kết rằng, Bắc Kinh sẽ “tôn trọng và duy trì hòa bình trên biển Đông”. Lập tức, Tổng thống Philippines Bongbong Marcos đã “tát” thẳng mặt Bắc Kinh, khi gọi Trung Quốc là “quốc gia không đáng tin cậy”, chuyên nói một đằng, làm một nẻo. Ông Marcos cũng kêu gọi ASEAN hãy đoàn kết, chống lại sự bắt nạt đến từ bên ngoài, đối với các thành viên của tổ chức.

Vậy tại sao ông Lương Cường, một lãnh đạo cấp cao Việt nam lại tỏ ra quá “lạc lõng” khi đến Bắc Kinh để yết kiến kẻ xâm lược? Hơn thế nữa, trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, ông Lương Cường còn khẳng định: “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mớigiá trị to lớn đối với các nước Xã hội Chủ nghĩa như Việt Nam”.

Những điều vừa kể có liên quan gì đến các cáo buộc mới đây cho rằng, phe bảo thủ trong Đảng, dưới sự dẫn dắt của Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, đã có những hành động “cõng rắn cắn gà nhà”  hay không? Bất kể ông Tô Lâm hiện là Tổng Bí thư, nắm quyền lực cao nhất trong bộ máy Đảng và nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

Đây cũng là thời điểm mà Quốc hội Việt Nam sắp bầu Chủ tịch nước mới, mà khả năng cao, ông Lương Cường sẽ trở thành tân Chủ tịch nước.

Tại sao, trong nội bộ Đảng hiện nay lại xảy ra hiện tượng bất bình thường như vậy? Điều đó có liên quan gì đến chủ trương của Tô Lâm muốn cải cách thể chế chính trị, để đưa Việt Nam bước vào “kỷ nguyên” mới hay không?

Phải chăng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm ảnh hưởng đến quyền lực, cũng như quyền lợi của một bộ phận không nhỏ trong Đảng, đặc biệt là những nhân vật thuộc thành phần bảo thủ, kiên định với Chủ nghĩa Xã hội của Tổng Trọng, cũng như sự lãnh đạo tập thể theo cái gọi là tập trung dân chủ?

Những thành phần này sẵn sàng “cõng rắn cắn gà nhà”, như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống… trong quá khứ, với chủ trương dựa hẳn vào Bắc Kinh, để hạ bệ Tổng Bí thư Tô Lâm.

 

Trà My – Thoibao.de