Theo dự kiến, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa 15 sẽ khai mạc vào ngày 21/10. Việc Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước mới, thay cho ông Tô Lâm, đã được công luận trong và ngoài nước hết sức quan tâm trong thời gian qua. Theo đánh giá, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường sẽ là người ngồi vào ghế Chủ tịch nước tới đây.
Như vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội 13, đến nay, đã có tới 4 Chủ tịch nước với 3 lần thay đổi nhân sự đối với chức danh này. Đó là các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm, và nhân vật sắp được Quốc hội bầu.
Điều đó càng cho thấy, ghế Chủ tịch nước là một ghế “nóng”, và có “dớp”. Nếu ngồi vào chiếc ghế “gai góc” này, dư luận cho rằng, ông Lương Cường cũng khó có thể trụ được lâu.
Vì nhiều lý do khác nhau, sự quan tâm của Bắc Kinh đối với việc bầu Chủ tịch nước Việt Nam sắp tới, là điều rất đáng chú ý.
Không chỉ là việc Đại tướng Lương Cường, Thường trực Ban Bí thư, đã thực hiện một chuyến đi được cho là đầy “khuất tất” đến Bắc Kinh từ ngày 9 đến 12/10/2024; mà kể cả chuyến thăm Việt nam trong những ngày vừa qua của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng cho thấy, Ban lãnh đạo Bắc Kinh hình như đã tính toán rất kỹ càng, để đưa bằng được ông Cường vào chiếc ghế Chủ tịch Nước Việt nam.
Trong khi, chỉ trong một thời gian ngắn, ông Tô Lâm đã nhanh chóng nỗ lực, để thâu tóm quyền lực trong Đảng. Mục tiêu tối thượng của ông Tô Lâm là kiêm nhiệm cả 2 chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Điều đó sẽ thuận lợi cho ông trong công tác đối ngoại.
Một khi Bắc Kinh đưa được Lương Cường vào ghế Chủ tịch nước, thì sẽ hạn chế được quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhất là trong công tác đối ngoại. Theo một số nhận định, những hoạt động đối ngoại gần đây của Tô Lâm đã khiến Trung Quốc thể hiện sự không hài lòng, bằng việc cho hải cảnh tấn công ngư dân Quảng Ngãi.
Tóm lại, Trung Nam Hải được cho là đang nỗ lực, bằng mọi cách, từng bước tước bỏ dần quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ngoài ra, việc Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam rút lại chức vụ Chủ tịch nước của ông Tô Lâm, là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc “lãnh đạo tập thể” của Đảng. Đây là việc đã được duy trì từ năm 1986 cho đến nay để chống lại sự chuyên quyền, thậm chí là độc đoán như ông Lê Duẩn trong quá khứ.
Như vậy, thiết chế “Tam trụ” sẽ lại được thay thế bằng cơ cấu “Tứ trụ”, như thời cố Tổng Bí thư Trọng. Tuy nhiên, thời gian giữ cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của ông Tô Lâm là quá ngắn ngủi, nên việc ông muốn áp đặt, hay thao túng quyền lực theo lối “ý của Trọng là ý của Đảng” như trước đây, là điều không thể.
Có đánh giá cho rằng, ảnh hưởng và sự tác động của Trung Quốc đối với chính trị Việt Nam, ngày càng sâu sắc hơn, là điều khó có thể đảo ngược, mà chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc ông Lý Cường đến Hà nội vừa qua là một minh chứng.
Cũng theo đánh giá trên, ông Tô Lâm đã ý thức được điều này, và tỏ thái độ sẵn sàng tuân thủ nguyên tắc “lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách”, cho nên, trong cuộc gặp các cựu lãnh đạo Đảng và nhà nước ngày 15/8, Tô Lâm đã khẳng định sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao vào tháng 10/2024. Đây là cách ông đánh tiếng với các “bậc bô lão” rằng, sẽ không có việc nhất thể hóa, và không có sự thay đổi nào về cơ chế tập thể lãnh đạo.
Đại tướng Lương Cường từng là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một người được đào tạo ở Trung Quốc, để trở thành cán bộ nguồn, làm lãnh đạo lâu dài. Đây được cho là lý do, Bắc Kinh tìm mọi cách để đưa ông Lương Cường tiếp tục thăng tiến cao hơn nữa.
Việc Đại tướng Lương Cường ngồi ghế Chủ tịch nước, là bước đệm quan trọng để ở lại Đại hội 14, với tư cách là “trường hợp ngoại lệ”. Đây là một thách thức không nhỏ đối với ông Tô Lâm.
Bài học cựu của Thủ tướng Ba Dũng, trước Đại hội 12, từng áp đảo Tổng Trọng, với sự ủng hộ của trên 70% uỷ viên Trung ương Đảng, nhưng cuối cùng vẫn thua cuộc. Vì thế, việc ông Lương Cường trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội 14, không phải là không có khả năng xảy ra.
Trà My – Thoibao.de