Truyền thông nhà nước đưa tin, khi tham dự Hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào, ông Trần Sĩ Thanh – Chủ tịch Hà Nội, tự tin khẳng định trước bạn bè quốc tế: “Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư”.
Phát biểu này, ngay sau đó, đã gây bão trên mạng xã hội.
Theo ông Thanh, những người ngủ đêm ở gầm cầu, ở các chợ… không phải người vô gia cư, bởi không phải họ không có nhà, mà do đặc thù công việc của họ.
Đồng thời, người đứng đầu chính quyền thủ đô khẳng định, đời sống người dân ở thành phố này đang ngày càng được nâng lên. Hà Nội đang cố gắng làm những gì tốt nhất để phục vụ người dân, để cuộc sống người dân tốt hơn.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến phản biện lại ông Chủ tịch Hà Nội này, khẳng định rằng, ở thủ đô, vẫn có nhiều người ăn xin, vô gia cư, và môi trường bị ô nhiễm nặng.
Đa số các ý kiến đều có chung nhận xét, sự thật khác hẳn với lời của vị lãnh đạo thủ đô. Điều này chứng tỏ, ông Trần Sĩ Thanh rất quan liêu, không nắm sát thực tế, không gần dân.
Đồng thời, nhiều ý kiến trên mạng thể hiện sự bất bình, và đưa ra các bằng chứng khẳng định, việc tình cờ bắt gặp những người ăn xin, người vô gia cư, ở Hà Nội, là chuyện phổ biến.
Đây không chỉ là ý kiến của một số cá nhân, mà ngay cả Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ngày 14/10, đã có một phóng sự dài khoảng 15 phút, với mô tả: “người ăn xin ngồi vật vờ trên các ngả đường, không chỉ gây đau lòng, mà còn là một vấn nạn xã hội nhức nhối”.
Qua tìm hiểu của phóng viên thoibao.de, một nhân chứng ở Hà Nội khẳng định, vẫn có rất nhiều người ăn xin, vô gia cư ở Hà Nội. Ban ngày, họ đi “ăn xin”, buổi tối, họ thường đến các nhà chùa để xin tá túc qua đêm.
Đây là những người mà chính quyền Hà Nội gắn cho họ mác “làm công việc xin tiền để kiếm sống, chứ không phải do hoàn cảnh khó khăn, hay nghèo đói”.
Công luận ở Việt Nam nói chung, và thủ đô Hà Nội nói riêng, thấy rằng, việc Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh bác bỏ vấn nạn ăn xin, hay vô gia cư, chỉ vì muốn chứng tỏ thành tích lãnh đạo của cá nhân mình. Đồng thời, ông muốn thể hiện rằng, Hà Nội là thủ đô văn minh, kinh tế phát triển, và không còn người nghèo.
Trên thực tế, việc số lượng người ăn xin, lang thang ở Hà Nội, gần đây có giảm bớt, là điều có thật, nhưng đó là kết quả của biện pháp của lãnh đạo Hà Nội đưa người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Theo đó, việc thu gom người lang thang, ăn xin, là một trong những biện pháp “giữ gìn hình ảnh thủ đô văn minh trong mắt người dân và du khách quốc tế”.
Tuy nhiên, đa số người dân thủ đô nhận thấy rằng, chất lượng cuộc sống không chỉ ở vấn nạn người lang thang, cơ nhỡ. Còn nhiều vấn đề lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thủ đô hiện nay, như an toàn và tắc nghẽn giao thông, chăm sóc y tế, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, những vấn nạn học đường…
Phát biểu mang tính khoe khoang của ông Trần Sĩ Thanh, cũng tương tự như phát biểu mang nặng tính “tự mãn” của cố Tổng Bí thư Trọng trước đây.
Lúc còn sống, ông Trọng từng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nhưng thực tế cho thấy, phát biểu này hoàn toàn trái ngược với những điều đã và đang diễn ra hàng ngày, trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống.
Vấn nạn khoe mẽ, hay phô bày vẻ hình thức bề ngoài, được cho là một đặc tính cố hữu của quan chức Cộng sản. Đây là căn bệnh mà từ lâu người Việt đã đề cập tới – đó là “thùng rỗng thích kêu to”.
Trà My – Thoibao.de