Trong tiểu thuyết Thần Điêu Hiệp Lữ, Tiếu Ngạo Giang Hồ, nhà văn Kim Dung có mô tả một nhân vật kỳ bí, là Độc Cô Cầu Bại, hiệu là Kiếm Ma.
Kim Dung mô ta nhân vật này là người có võ công mạnh nhất. “Độc cô cầu bại” có nghĩa là, “kẻ cô độc cầu mong mình bại trận”. Tuy nhiên, dù vậy, cả đời ông cũng không được toại nguyện.
Nhân vật Độc Cô Cầu Bại thường dùng vô chiêu thắng để hữu chiêu, vô địch trên đời. Vô chiêu nghĩa là chẳng có chiêu thức nào, cũng chính vì thế mà đối thủ không thể đoán trước được chiêu thức của ông, và họ đành bất lực.
Đấy là chuyện kiếm hiệp, mang tính hư cấu, giải trí.
Tuy nhiên, câu chuyện của nhà sư Thích Minh Tuệ cũng có phần mang dáng dấp của nhân vật Độc Cô Cầu Bại, trong tác phẩm võ hiệp của nhà văn Kim Dung.
Đáng chú ý, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sư Thích Chân Quang từng tấn công cá nhân thầy Thích Minh Tuệ. Trong khi, vị tu sĩ hạnh đầu đà không hề tung ra bất kỳ chiêu thức nào để đáp trả. Tuy nhiên, ngay lập tức, cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thích Chân Quang đều nhận lấy sự ê chề. Càng tấn công mạnh, thì càng nhận lại tổn thất nặng nề. Điều này có thể ví như “vô chiêu thắng hữu chiêu” của sư Thích Minh Tuệ.
Giờ đây, đến lượt bà Nguyễn Phương Hằng, lại một lần nữa xuất chiêu tấn công vào sư Minh Tuệ. Vẫn như mọi khi, sư Minh Tuệ không đáp trả lại bằng bất cứ hình thức nào. Vẫn chỉ có “vô chiêu” như bao lần trước đó.
Cũng ngay lập tức, dư luận đã dậy sóng, không phải vì người ta muốn xem sư Thích Minh Tuệ trúng chiêu và “gục ngã” như thế nào. Mà ngược lại, công luận cho rằng, bà Hằng sẽ nhật kết quả không mấy tốt đẹp, vì hành động này.
Trước mắt, rất nhiều người hâm mộ bà đã đồng loạt “quay xe”, chỉ trích chính thần tượng một thời của mình. Người Việt có câu “khôn 3 năm, dại một giờ”, để chỉ những hành động thiếu cân nhắc, khiến chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã tự đánh đổ mọi công lao mà họ đã cố gắng trong một thời gian dài. Tương tự, dư luận đánh giá, bà Hằng tự đạp đổ những thành quả, mà bà đã phải tốn một thời gian rất dài để xây dựng, và cả việc phải trả giá bằng án tù.
Để có được lượng người hâm mộ lớn như của bà Hằng, là điều không dễ. Lúc đỉnh điểm, các kênh truyền thông của bà thu hút lượng khán giả gấp nhiều lần đài Truyền hình Quốc gia VTV. Những ca sĩ đang nổi cũng rất muốn có được một phần mười lượng fan của bà, nhưng không dễ có.
Ngoài ra, bà Hằng đã phải trả giá cho việc bóc mẽ thầy lang lừa đảo và giới showbiz đen, bằng bản án tù 3 năm giam. Điều này khiến nhiều người hâm mộ cảm kích, nên họ càng hâm mộ hơn sau khi bà ra tù.
Trong clip bày tỏ ý định tấn công sư Thích Minh Tuệ, bà Hằng nói:
“Đến giờ phút này, tôi đang ở trên đỉnh cao, không lý do gì tôi cắm mặt xuống đất. Thà tôi rời cuộc chơi. Mà tôi đã chơi là chơi đến luôn.”
Có vẻ như, việc được người hâm mộ rần rần chào đón, khi ra tù, đã khiến bà tự mãn thái quá chăng?
Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, từ đại nhân đến tiểu nhân, bất kỳ ai mà tự mãn, thì điều đó đồng nghĩa, họ đã tự kết liễu sự nghiệp của mình. Tự mãn chưa bao giờ đưa con người đến thành công. Nếu đã thành công mà tự mãn, thì thành công đó sẽ không ở lại với họ. Tự mãn và thành công, có thể xem là cặp phạm trù không “ưa” nhau.
Lần này, có lẽ, tính tự mãn của bà Hằng đã dẫn bà đến một hành động rất không nên làm. Đấy là tấn công sư Thích Minh Tuệ.
Chưa thấy bà được gì, chỉ thấy bà phải nhận rất nhiều chỉ trích nặng nề, và người hâm mộ lũ lượt rời bỏ bà. Đấy chính là sự “cao thâm” của “vô chiêu” mà ít người nhận ra. Liệu bà Hằng có thấy, hữu chiêu của bà đang thua trước vô chiêu của vị sư tu hạnh đầu đà chăng?
Trần Chương – Thoibao.de