Người lên tiếng phản biện vẫn luôn bị chụp mũ “xuyên tạc, chống phá”

Ngày 16/10, RFA Tiếng Việt bình luận “Ý kiến đối với cáo buộc “xuyên tạc, chống phá” Quốc hội Việt Nam?”

RFA cho biết, Đại tá Đỗ Mạnh Cường – Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự, mới đây có bài đăng trên báo nhà nước, cho rằng, những ý kiến trái chiều về vai trò hoạt động của Quốc hội Việt Nam, là “xuyên tạc, chống phá”.

Cụ thể, với các bình luận trên mạng xã hội và báo chí hải ngoại, như “Quốc hội Việt Nam chỉ là cơ quan hợp thức hóa ý chí, quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không phải là đại diện cho quyền lực, ý chí của nhân dân Việt Nam”; “Khi nào Quốc hội trở thành nơi hội tụ trí tuệ của nhân dân, thì khi đó, đất nước mới có tương lai”, hay “Quy trình Đảng cử, dân bầu vẫn khiến Quốc hội chỉ là cây cảnh của Đảng, hơn là cơ quan quyền lực tối cao”…

RFA dẫn nhận xét của ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội, cho rằng, người viết bài báo nói trên là Đại tá, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự, nhưng lại không có tư duy lý luận tốt, nên chỉ dùng những câu chữ cũ kỹ từ mấy chục năm nay, nghe thì có vẻ hay nhưng chẳng có gì mới và cũng không có chỗ nào đúng.

Theo ông Quân, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam dựng lên Quốc hội làm bức bình phong, để người dân nghĩ là có bầu cử, có dân chủ. Nhưng thực ra, Quốc hội không có quyền quyết định các chính sách quan trọng của đất nước, và cũng không do dân bầu ra. Quốc hội cũng không có quyền bầu ra lãnh đạo quốc gia, mọi thứ đều do Bộ Chính trị quyết định.

RFA dẫn nhận định của luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức quốc:

“Theo Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Thế nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Như chúng ta biết trước khi Quốc hội họp thì Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam bao giờ cũng họp, sau đó ra nghị quyết, rồi tất cả những người có liên quan, chẳng hạn như một Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch Quốc hội, và các Bộ trưởng tiếp tục công việc đó. Tất cả những nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, đều được Quốc hội thông qua và ý kiến chỉ là thức hình thức.”

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, Ban Chấp hành Trung ương không thể hiện nguyện vọng, ý chí của người dân Việt Nam. Ông lý giải:

“Bởi vì trong Quốc hội chỉ có một phần nhỏ uỷ viên Trung ương Đảng, mà họ lại quyết định mọi vấn đề của đất nước, thì điều này hoàn toàn không đúng. Cho nên nói rằng Quốc hội Việt Nam là một cơ quan bù nhìn cho Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn chính xác.”

RFA cũng dẫn nhận định của một nhà báo tại Việt Nam, dưới một góc nhìn khác:

“Khái niệm chống phá của thế lực thù địch đã có từ hàng chục năm qua. Dĩ nhiên, khi gọi như vậy, tức là phải xác định luôn luôn chống phá bằng mọi thủ đoạn… Nếu như vậy thì đây là nhiệm vụ của công an, quân đội, là 2 lực lượng võ trang của nhà cầm quyền, chứ không nên dùng truyền thông để than vãn hay chỉ trích, sẽ tỏ ra không hiệu quả, bởi nó đã diễn ra hàng chục năm qua rồi chứ không phải mới đây.”

Theo nhà báo này, khi đã tuyên bố bị chống phá như vậy, thì phải cụ thể ra hậu quả hữu hình, chứ không thể là hậu quả vô hình.

Vẫn theo vị ký giả này, nhà cầm quyền Việt Nam phải coi lại hệ thống luật pháp, tư pháp, và phải coi lại mô hình quản trị quốc gia hữu hiệu ra sao, mà tại sao suốt nửa thế kỷ qua, hoạt động của bộ máy công an, quân đội ở đâu, mà cứ để cho báo chí phải lên tiếng “bị thế lực thù địch chống phá”.

Nhà báo này đánh giá, cách báo chí nhà nước tuyên truyền như lâu nay, là một cách làm không xứng tầm với một nhà nước hợp pháp.

 

Ý Nhi – thoibao.de