Tuyên bố sẽ đưa Việt Nam bước vào “kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm, được công luận trong và ngoài nước hết sức chú ý. Trong bài diễn văn tại Đại học Columbia Hoa Kỳ, ông Tô Lâm khẳng định: “con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu hướng chung của thế giới, và nền văn minh nhân loại”.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng hơn, là trách nhiệm của nhà nước đối với đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân, thì không được ông Tổng Bí thư chú trọng.
Dường như đã nắm bắt được các đòi hỏi từ công luận, truyền thông nhà nước đưa tin, ngày 15/10, tại Hưng Yên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với các ban ngành, tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia, với chủ đề “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”.
Bản tin cho hay, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, đã nhấn mạnh, việc chăm lo cho con người là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ Xã hội Chủ nghĩa.
Ông Nguyễn Xuân Thắng được cho là một nhân sự chủ chốt thuộc phe Nghệ An, nhưng lại kéo quân về tận Hưng Yên – quê nhà của ông Tô Lâm, để tổ chức hội thảo. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy, nội bộ phe Nghệ An đã có biểu hiện “rã đám” và thiếu thống nhất.
Về nhận định của ông Thắng, khi cho rằng, việc chăm lo cho con người là nhiệm vụ quan trọng, và thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ Xã hội Chủ nghĩa, công luận đánh giá, đây là điều không có thật. Hơn ai hết, ông Tô Lâm – vốn là cựu Bộ trưởng Bộ Công an, càng hiểu rất rõ về điều này.
Trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của cố Tổng Bí thư Trọng, với chính sách coi trọng quá mức sự ổn định chính trị của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đã dẫn tới tình trạng ưu tiên quá lớn cho ngành công an.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về việc phân bổ chi tiêu ngân sách, cho các bộ ngành của Chính phủ, cũng như các địa phương, trong năm 2024, Bộ Quốc phòng được phân bổ ngân sách nhiều nhất, với hơn 207.000 tỷ đồng. Theo sau là Bộ Công an với ngân sách hơn 113.000 tỷ đồng, nếu so với ngân sách của năm 2023 là 99.000 tỷ đồng, thì đã tăng 14.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngân sách dành cho Bộ Giáo dục Đào tạo tăng từ 6.200 tỷ đồng lên hơn 7.700 tỷ đồng. Ngành y tế bị cắt giảm từ hơn 7.400 ngàn tỷ đồng vào năm 2023, chỉ còn hơn 7.000 tỷ đồng cho năm 2024.
Điều đó cho thấy, chi ngân sách cho ngành công an là đặc biệt lớn, gấp khoảng 13 lần so với chi cho giáo dục và y tế. Điều đó thể hiện chính sách hết sức bất hợp lý của chính quyền Việt Nam hiện nay.
Việt Nam luôn khẳng định đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa, mặc dù việc đảm bảo miễn phí cho giáo dục, y tế, là thể hiện tính ưu việt đặc trưng của Chủ nghĩa Xã hội; nhưng nhà nước Việt Nam lại sử dụng chiêu trò “xã hội hóa”, để rút bớt ngân sách cho Giáo dục và Y tế, vốn đã quá ít ỏi, và dành chi quá mức cho Công an và Quân đội?
Điều đó cho thấy, mối quan tâm lớn nhất của lãnh đạo Việt Nam hiện nay, là giữ vững an ninh chính trị, để duy trì vị trí độc tôn lãnh đạo, quản lý nhà nước và xã hội của họ. Họ hoàn toàn không hề xuất phát từ quyền lợi của nhân dân.
Nhà nước Việt Nam luôn tuyên bố, họ là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, nhưng trên thực tế, trong hàng chục năm qua, khẩu hiệu này đã bị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương, đồng lòng “biến tấu”. Khẩu hiệu thực sự đã trở thành “nhà nước của ông, do ông và vì chúng tao”, về mọi nghĩa.
Trà My – Thoibao.de