Ngày 19/10, trang Facebook Tho Nguyen bình luận “Liệu những điều “bạo chúa đỏ” từng gây ra ở Trung Quốc, có thể được Tập thực hành trên toàn cầu?”
Tác giả cho hay, Mao Trạch Đông từng được coi là vị “bạo chúa đỏ” và dùng Chủ nghĩa Marx-Lenin như một bức bình phong, để bảo vệ quyền lực. Ông chẳng có hiểu biết gì về Chủ nghĩa Marx, và cũng chẳng hề muốn áp dụng nó ở Trung Quốc. Ông chỉ biết và chỉ muốn cai trị xứ sở như các hoàng đế tiền bối.
Tác giả đánh giá, Mao chẳng coi sinh mạng con người là gì, và đã gây ra hàng chục triệu cái chết, qua các chiến dịch “Đại nhảy vọt” và “Cách mạng Văn hóa”. Về mức độ tàn bạo, có thể xếp Mao ngang hàng với Hitler và Stalin.
Vì vậy, tác giả cảnh báo, nhân loại cần phải cẩn thận với những gì đang xảy ra. Tập đang trên con đường trở thành vị “Bạo chúa đỏ” thứ 2 ở Trung Quốc. Khi đó, sự tàn phá của ông sẽ khác xa Mao. Thời Mao thì Trung Quốc đang ngập trong đói nghèo, phải ngửa tay xin ăn khắp nơi, nội bộ thì tanh bành vì đấu tranh phe phái.
Trung Quốc của Tập hiện đã leo lên vị trí siêu cường kinh tế thứ 2, và đang phấn đấu đến năm 2050 chiếm ngôi cường quốc quân sự hàng đầu. Thông qua các liên minh mới, như BRICS, hay khối Thượng Hải, Tập đang tạo ra một trật tự thế giới mới theo cách của ông.
Tác giả nhận định, 40 năm cải cách kinh tế đã tạo cho Trung Quốc một tầng lớp trung lưu khá dày, được hậu thuẫn bởi một lực lượng tinh hoa khá hoàn chỉnh trên mọi phương diện. Nhưng chế độ độc tài cánh tay sắt lại đảm bảo cho khối tinh hoa và trung lưu này luôn sống trong sợ hãi, thận trọng trong ăn nói, và nhẫn nhục trong hành động.
Tác giả nêu ví dụ về chính sách “Zero Covid” gây thảm cảnh cho cả tỷ người, nhưng không hề có tiếng nói phản biện nào dám cất. Giới tinh hoa Trung Quốc tuy biết thừa, nhưng đã chấp nhận ngậm miệng.
Sự ngậm miệng của họ, tất nhiên đã đẩy nền kinh tế của “Công xưởng thế giới” đi vào suy thoái. Và chính sự suy thoái đó, chứ không phải số người chết, đã khiến Tập bất ngờ xóa bỏ chính sách Zero Covid vào cuối năm 2022. Từ đó đến nay, nền kinh tế hồi phục chậm hơn mong đợi rất nhiều, và điều đáng ngạc nhiên là: Tập không có biện pháp gì để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng.
Tác giả dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Thomas Meyer, từ Đức, thì có thể, đây là một chiến lược mới của Tập hoàng đế: Từ bỏ con đường phát triển theo số lượng để tiến đến phát triển theo chất lượng. Nhiều xí nghiệp ô nhiễm môi trường bị buộc đóng cửa, ngành địa ốc lãng phí tài nguyên đang được bóp lại một cách có kiểm soát. Nhiều con cá mập sẽ đau đớn chết trước cái nhìn lạnh lùng của Đảng. Đầu tháng 10 này, thị trường chứng khoán tưởng như đã ngủ quên ở Trung Quốc đã bắt đầu tăng vọt ở mức 20%.
Tác giả cho biết, mô hình “Tăng trưởng kinh tế không cần tự do” bỗng trở nên hấp dẫn với thế giới phương Nam. Các nước Ả-Rập Saudi, Các tiểu vương UAE, Ai-Cập, Ethiopie đã lục tục xin gia nhập khối BRICS, dưới ngọn cờ của hoàng đế.
Tác giả bình luận, đáng lẽ ra thì phương Tây tự do không cần phải lo ngại nhiều về những thách thức từ phía Trung Quốc. Lịch sử đã chứng minh rằng, thể chế dân chủ tự do ưu việt hơn hẳn mọi thế chế độc đoán.
Nhiều người viện dẫn những thành công của Trung Quốc, để bác bỏ sự ưu việt của con người tự do. Nhưng nếu điểm lại, thì từ 5G, thương mại điện tử, chinh phục vũ trụ, tàu đệm từ, Bigdata đến AI… đều xuất phát từ các xứ tự do. Chế độ độc tài chỉ dùng ưu thế đám đông, để triển khai những điều học được nhanh hơn. Việc Trung Quốc trở thành quê hương mới của nhân tài thế giới, mãi chỉ là một giấc mơ, trong khi, sinh viên Trung Quốc vẫn ào ào sang phương Tây du học.
Vậy, tại sao lại phải lo ngại?
Xuân Hưng – thoibao.de