Vì sao Việt Nam phải thận trọng với 3 dự án kết nối hệ thống đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian gần đây có nhiều biểu hiện  trái ngược nhau đến mức khó hiểu. Trước chuyến đi đầy “khuất tất” của Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, để yết kiến Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 9/10, thì ngày 29/9 lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần công khai tấn công ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.

Việc Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó “cực lực” phản đối, và chỉ đích danh thủ phạm là lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc, đã cho thấy tính chất nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa 2 nước.

Tuy nhiên, chưa đầy 2 tuần sau đó, từ ngày 12 đến 14/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã sang thăm chính thức Việt Nam. Hai bên đã ký kết 10 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, giao thông vận tải…, đặc biệt là thỏa thuận kết nối 3 tuyến đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Bắc Kinh lại có thái độ trái chiều như vậy, và đang có ý đồ gì?

Theo giới phân tích, đây không chỉ là cách hành xử theo lối “vừa đấm, vừa xoa” của Trung Quốc trước chính sách đối ngoại “bất bình thường” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Tô Lâm, mà còn để thực hiện ý đồ tiếp tục kiềm tỏa Ban lãnh đạo Hà Nội như trước đây.

Quan trọng hơn, Bắc Kinh muốn dụ dỗ Việt Nam hợp tác trong cái gọi là chính sách ngoại giao đường sắt. Đó là, sự hợp tác trong việc xây dựng, và kết nối 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Bao gồm: Tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dài 384 km; Tuyến Lạng Sơn – Hà Nội dài 167 km, và tuyến Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng dài trên 150km, trong đó Móng Cái sẽ là ga biên giới trong tương lai.

Ba tuyến đường sắt nói trên có một ý nghĩa và tầm quan trọng đối với Trung Quốc. Đó là sự kết nối hệ thống đường sắt giữa Trung Quốc với Việt Nam trong cái gọi là “Sáng kiến Vành Đai và Con đường” của Bắc Kinh.

Ngoài ra, trong một diễn biến riêng lẻ, theo dự kiến, kỳ họp Quốc hội Việt Nam từ ngày 21/10, sẽ xem xét phê duyệt dự án xây dựng tuyến Đường sắt Cao tốc Bắc Nam có chiều dài 1.541 km, từ Hà Nội đến Sài Gòn, với trị giá 67 tỷ USD.

Nhưng mục tiêu hợp tác về lĩnh vực đường sắt với Việt Nam của Bắc Kinh, không phải là dự án Đường sắt Cao tốc Bắc – Nam. Đây chỉ là hư chiêu, mà thực chiêu đó là 3 dự án kết nối hệ thống đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Một khi 3 tuyến đường sắt kể trên, hay chỉ riêng tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi vào hoạt động, lập tức nó sẽ kết nối luôn với các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc với Vịnh Bắc Bộ. Trong trường hợp xảy ra xung đột trên Biển Đông và Đài loan, khi đó tuyến đường biển từ Hồng Kông đến Hoàng Hải bị khoá, thì Trung Quốc vẫn có thể ung dung vận chuyển hàng hóa thiết yếu qua các tuyến đường sắt trên lãnh thổ Việt Nam để đến các cảng biển của Việt Nam. Nghĩa là Trung Quốc phải mượn đường của Việt Nam để xuất khẩu hàng hoá ra các nước trên thế giới.

Có suy đoán cho rằng, đó cũng là lý do khiến Trung Quốc phải tức tốc “làm lành” để họp bàn với lãnh đạo Việt Nam, thực hiện kế hoạch đã định sẵn, phòng khi xung đột trên Biển Đông xảy ra.

Kế hoạch hợp tác 3 tuyến đường sắt này là một nội dung trọng tâm của Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc ngày 20/8, nhân chuyến công du của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Bắc Kinh.

Một dự án khác về việc đặt tuyến cáp quang mới trên biển, cũng có nghi ngờ cho rằng, vì để được lòng Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẵn sàng giao cho nhà đầu tư Trung Quốc đảm trách bất chấp những rủi ro có liên quan đến an ninh quốc gia,

 

Trà My – Thoibao.de