Ngày 22/10, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận “Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội cho ai và Đảng thật sự vì ai?”
Tác giả dẫn lại tuyên bố của ông Tô Lâm:
“Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng, mọi sự phấn đấu của Đảng, nhà nước, cả hệ thống chính trị, chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.”
Tác giả nhận xét, vào lúc này, với hiện trạng kinh tế – xã hội, như đã biết và đang thấy, đa số người Việt có thể tự trả lời vế sau: Cuộc sống của họ có ấm no và hạnh phúc? Còn vế đầu thì không cần ngoái lại phía sau hay ngóng về phía trước, chỉ cần nhìn vào những sự kiện mới nhất, tự nhiên sẽ nhận ra đối tượng nào mới là “chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối và sự phấn đấu của Đảng”?..
Tác giả đề cập đến việc Thanh tra Chính phủ, vào trung tuần tháng 10 này, đã công bố kết luận của đợt thanh tra về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tại Hà Nội, Sài Gòn, Bình Dương, trong giai đoạn từ 2011 – 2019. Theo đó, cả 8 trường hợp bị thanh tra đều xảy ra sai phạm nghiêm trọng, đến mức cần phải chuyển cho công an điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tác giả lưu ý, đợt thanh tra vừa đề cập, chỉ là một trong nhiều đợt thanh tra về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, của các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa.
Doanh nghiệp nhà nước – từ Trung ương đến địa phương – là một trong những yếu tố khiến quốc gia lụn bại, đến mức, Trung ương Đảng khóa 10 (2006 – 2011) phải quyết định xóa bỏ tình trạng doanh nghiệp nhà nước độc quyền, hoặc được hưởng đặc quyền sản xuất, kinh doanh, như “then chốt của nền kinh tế”.
Tuy nhiên, tác giả nhận định, cổ phần hoá lại tạo ra một loại đại họa khác. Nhiều cá nhân, nhiều nhóm, đã biến tài sản nhà nước thành tài sản riêng, mà cả Thanh tra Chính phủ lẫn Kiểm toán Nhà nước, cùng phải thừa nhận, đã gây thất thoát “nhiều ngàn tỉ đồng”.
Song, tác giả cảm thán, Trung ương Đảng khóa này (2021 – 2026) vẫn xác định… “phải duy trì doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực then chốt”, “vì kinh tế nhà nước là công cụ, là lực lượng vật chất quan trọng”, “nhằm bảo đảm bản sắc của kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa!”.
Bất kể, báo cáo của Chính phủ về hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020, tiếp tục cung cấp thêm nhiều số liệu đáng giận, vì tổng vốn đầu tư tăng, mà “tổng doanh thu và lãi vẫn tiếp tục giảm rất sâu”.
Tác giả bình luận, dù thực tế buộc giới lãnh đạo Đảng phải đẩy doanh nghiệp nhà nước, từ vị trí “chủ đạo của nền kinh tế”, sang “vai trò then chốt”, dù được bơm hàng nghìn tỷ, và đã hút gần như toàn bộ nội lực quốc gia, song doanh nghiệp nhà nước chỉ dẫn đầu về chỉ số nợ – tổng nợ/tổng vốn.
Tác giả mỉa mai, sau việc làm quốc gia khánh kiệt, “kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa” đã mở thêm lối cho nhiều đảng viên trung kiên trở thành tư sản đỏ qua… cổ phần hoá!
Tác giả cũng đề cập đến việc, vào năm 2022, Thủ tướng đã phê duyệt “Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, giai đoạn 2021 – 2025”, mà mục tiêu chính là thu hồi “ít nhất 248.000 tỷ” để “thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và trả nợ công trong 5 năm, từ 2021 đến 2025”.
Đề án này khiến nhiều người băn khoăn, bởi ước đoán, số thu tối thiểu chỉ khoảng “248.000 tỉ”, rõ ràng là quá… khiêm tốn.
Trở lại với kết luận mới nhất của Thanh tra Chính phủ, về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước, tác giả đánh giá, khi Đảng còn kiên quyết đeo đuổi mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, thì nội lực quốc gia còn thất tán và sự khốn khổ không có điểm dừng.
Quang Minh – thoibao.de