Thấy gì qua việc Quốc hội bầu Đại tướng Lương Cường thay cho Chủ tịch nước Tô Lâm?

Cuối cùng, các đồn đoán về việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phải chấp nhận trao trả chức vụ Chủ tịch nước cho lãnh đạo khác, hay vẫn “tham quyền cố vị”, cũng đã có câu trả lời.

Chiều ngày 21/10, Quốc hội Việt Nam đã bầu Thường trực Ban Bí thư, Đại tướng Lương Cường làm Chủ tịch nước mới, và ông Lương Cường đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Trước giờ Quốc hội bỏ phiếu, vẫn có hy vọng cho Đại tướng Phan Văn Giang, một nhân vật nhận được sự tín nhiệm lớn từ Quốc hội, và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Như vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội 13, chỉ trong vòng hơn 3 năm, Việt Nam đã có 3 Chủ tịch nước lần lượt phải thôi chức, với các lý do khác nhau. Đồng thời, ghi nhận thêm một kỷ lục của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi Chủ tịch nước Tô Lâm có nhiệm kỳ nguyên thủ quốc gia ngắn nhất, chỉ vỏn vẹn có 5 tháng.

Việc Nhà nước Việt Nam tiến hành nhiều hoạt động cho thôi chức, cũng như bầu bổ sung chức danh Chủ tịch nước, đã phản ảnh một tình trạng bất ổn chính trị. Hệ thống chính trị Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi giai đoạn khủng hoảng kéo dài, và chưa có hồi kết.

Nếu chức Chủ tịch nước song hành với vai trò Tổng Bí thư của ông Tô Lâm, chắc chắn, sẽ gia tăng quyền lực và hiệu quả, trong việc điều hành Đảng, với vai trò nguyên thủ quốc gia, cũng như “thống lĩnh” các lực lượng vũ trang.

Việc trước khi rời ghế Chủ tịch nước khoảng 24 tiếng đồng hồ, ông Tô Lâm phải “vội vã” ký phong một loạt tướng lĩnh, điều này cho thấy, sự kiêm nhiệm cả 2 chức vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Vậy, tại sao ông Tô Lâm không thể tiếp tục kiêm nhiệm cả 2 chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước?

Theo giới phân tích quốc tế, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam muốn duy trì cơ chế tập trung dân chủ, và nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, để tránh tập trung quyền lực quá nhiều vào một người, sẽ dẫn đến tình trạng độc tài, độc đoán.

Tuy nhiên, bản chất của vấn đề không hẳn như diễn giải vừa kể.

Tại sao, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời năm 2018, lập tức, Tổng Bí thư Trọng đã nắm giữ cả hai chức vụ tới hết nhiệm kỳ Đại hội 12, mà hoàn toàn không có ý kiến phản đối trong Đảng?

Điều đó cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm với năng lực, kinh nghiệm và bề dày lãnh đạo, đặc biệt về vấn đề đạo đức, tư cách và phẩm chất, chưa đủ để thuyết phục số đông ban lãnh đạo cấp cao.

Mới nhất, bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, ngày 21/10, trước khi rời ghế Chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã ký quyết định phong quân hàm Đại tướng cho Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.

Điều đáng nói, chỉ trong vòng hơn 2 năm, từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2024, Tướng Quang đã từ Thượng tướng trở thành Đại tướng, mặc dù theo quy định phải là ít nhất 4 năm. Ông Tô Lâm đã bất chấp tất cả là như vậy.

Hơn nửa, Lương Tam Quang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an mới được vài tháng, là được thăng cấp Đại Tướng, trong khi trước đây, Tô Lâm vẫn chỉ là Thượng tướng trong suốt 3 năm đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Điều đó cho thấy sự bất thường trong việc thăng quân hàm Đại tướng cho Lương Tam Quang Quang.

Ngoài ra, cuộc họp Quốc hội đã có nhiều diễn biến khá bất thường. Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trước Quốc hội với một bài diễn văn khá dài. Ông Tô Lâm khẳng định “Thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.

Theo một số nhận định, quan điểm vừa kể của Tổng Bí thư Tô Lâm có thể sẽ là điều gây khó khăn cho tân Chủ tịch nước Lương Cường trong tương lai.

Việc Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Tân Cương mới đây được phong Đại tướng, cho thấy, khả năng cao, Tướng Nguyễn Tân Cương sẽ thay Tướng Giang, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tướng Phan Văn Giang sẽ nghỉ vì lý do sức khỏe, như thoibao đã đưa tin trước đây.

 

Trà My – Thoibao.de