Vì sao Chủ tịch nước Lương Cường sẽ phải đối mặt với nhiệm kỳ “đầy sóng gió”?

Ngày 21/10, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 15, Thường trực Ban Bí Thư – Đại tướng Lương Cường đã được bầu làm Chủ tịch nước, trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2021 – 2026. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khi ông Lương Cường đã có chân trong “Tứ trụ”, và tại Đại hội Đảng 14 đầu năm 2026, có thể, ông sẽ có “suất đặc biệt” được ở lại, mặc dù đã quá tuổi về hưu.

Công luận đánh giá, ghế Chủ tịch nước của ông Cường đã được lãnh đạo Đảng quyết định từ trước. Việc đưa ra Quốc hội bầu bán, chỉ với mục đích “diễn” cho có, thể hiện cái gọi là sự đồng thuận dân chủ, trong một nhà nước độc đảng.

Theo truyền thông nhà nước công bố, ông Cường được 440/440 đại biểu Quốc hội “tín nhiệm”, tán thành thông qua Nghị quyết bầu ông làm Chủ tịch nước. Tuy nhiên, theo giới quan sát, hiện nay, số đại biểu Quốc hội Khóa 15 chỉ còn lại 487 đại biểu so với 499 đại biểu hồi đầu nhiệm kỳ.

Với số phiếu 440 đại biểu đã bầu cho ông Lương Cường như công bố, thì chỉ đạt 88,17% mà thôi. Nghĩa là, có có 47 đại biểu không dự họp ngày hôm đó, hay họ có thể đã chủ tâm bỏ ra bên ngoài, vào thời điểm Quốc hội biểu quyết. Trên mạng xã hội đã có ý kiến nghi ngờ, phải chăng, đó là các đàn em của Tổng Bí thư Tô Lâm, “cố ý” làm mất uy tín của tân Chủ tịch nước?

Đáng chú ý, ông Lương Cường được làm Chủ tịch nước là do được Bộ Chính trị xét “trường hợp đặc biệt”, và ông Cường có mối liên hệ đặc biệt với Trung Quốc. Theo quy định, để làm Chủ tịch nước, các cá nhân ứng viên cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, và phải kinh qua các chức vụ bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng hay tương đương.

Trong khi, đây là nhiệm kỳ đầu tiên ông Cường tham gia Bộ Chính trị, nên ông chưa đạt yêu cầu trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên, và ông cũng chưa từng làm bí thư cấp tỉnh hay cấp bộ trưởng.

Tân Chủ tịch nước Lương Cường được xem là có mối quan hệ khá thân thiết với Bắc Kinh. Được biết, ông từng 2 lần tham gia các khóa bồi dưỡng “cán bộ nguồn” cấp cao của Đảng, tại Trung Quốc.

Hơn nữa, ngày 9/10, trước khi chính thức trở thành Chủ tịch nước, mạng xã hội cũng “dậy sóng”, khi ông Lương Cường bất ngờ sang Bắc Kinh để gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đây là một chuyến đi đầy khuất tất và đáng ngờ, vì ông Cường sang Trung Quốc được 2 ngày rồi thì báo chí Việt Nam mới đưa tin. Có nhiều ý kiến cho rằng, ông Tập Cận Bình và Ban lãnh đạo Bắc Kinh, trước đó đã gây sức ép với ông Tô Lâm và Ban lãnh đạo Hà Nội, để “dọn đường” cho việc chuẩn thuận ghế Chủ tịch nước đối với ông Lương Cường.

Công luận Việt Nam đã và đang lo ngại về mối quan hệ với Bắc Kinh, của tân Chủ tịch nước Lương Cường. Liệu ông Cường có đưa quan hệ 2 nước trở lại quỹ đạo cũ, như thời kỳ cố Tổng Bí thư Trọng lãnh đạo, để Việt Nam tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc.

Những phân tích kể trên cho thấy, khả năng cao, tân Chủ tịch nước Lương Cường sẽ phải đối mặt với một nhiệm kỳ đầy sóng gió, đang chờ đợi ông ở phía trước.

Trong khi, Tổng Bí thư Tô Lâm được cho là có đủ khả năng đối phó với Chủ tịch nước Lương Cường, và nhóm các tướng lĩnh “quan văn” xuất thân từ Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Đó cũng là nhóm tướng lĩnh trong Bộ Quốc phòng đang bất hòa với Đại tướng Phan Văn Giang – người đứng đầu Bộ này.

Sự chia rẽ trong nội bộ quân đội hiện nay, chắc chắn là một nguy cơ tiềm ẩn, có thể sẽ tiếp tục gây bất ổn cho chính trị Việt Nam. Liệu Tổng Bí thư Tô Lâm có đủ khả năng để duy trì sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển của đất nước hay không?

 

Trà My – Thoibao.de