Sau khi ông Lương Cường trở thành Chủ tịch nước, nền chính trị Việt Nam ngay lập tức quay lại mô hình “Tứ trụ” truyền thống, đồng thời cơ chế “Tam trụ” mà Tổng Bí thư Tô Lâm muốn duy trì để nắm giữ 2 cương vị cùng lúc cũng chấm dứt.
4 vị trí quyền lực nhất hiện nay bao gồm: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ngoài ông Mẫn là giới chức lãnh đạo xuất thân từ cán bộ Đoàn Thanh niên, 3 nhân vật còn lại đều có xuất thân từ lực lượng vũ trang.
Cụ thể ông Tô Lâm từng là Đại tướng, cựu Bộ trưởng Bộ Công an; Ông Phạm Minh Chính là nguyên Trung tướng tình báo thuộc Tổng cục V – Bộ Công an; và Đại tướng Lương Cường giữ chức vụ Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chính trị Quân đội. Đây đã trở thành một xu thế chung trong cơ cấu bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay.
Tương tự, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, cũng đang có tới 9/15 ủy viên Bộ Chính trị, chiếm tỷ lệ 60% có xuất thân từ các tướng lĩnh công an hay quân đội. Những nhân vật này đều nắm quyền lực rất lớn, và áp đảo 6 ủy viên Bộ Chính trị xuất thân từ giới chức dân sự.
Tại thời điểm hiện nay, với cơ cấu Bộ Chính trị có 15 ủy viên, trong đó, những người có gốc gác từ công an gồm 6 người. Trong khi đó, phe quân đội chỉ có 3 ủy viên.
Điều vừa kể cho thấy, những lãnh đạo xuất thân từ công an đang nắm các vị trí quan trọng, và số lượng áp đảo hơn so với những nhân sự lãnh đạo xuất phát từ quân đội. Theo giới quan sát, chưa bao giờ Bộ Chính trị của Đảng bị “vũ trang hóa” như hiện nay.
Trên thực tế, giữa quân đội và công an luôn luôn tồn tại sự cạnh tranh về mặt quyền lực. Vì lý do giữa quân đội và công an có những nhiệm vụ, chức năng chồng chéo, và đặc biệt có sự cạnh tranh quyết liệt về sức ảnh hưởng của mỗi bên trong Đảng.
Trong 15 năm trở lại đây, dưới sự dẫn dắt của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bằng chủ trương dựa hẳn vào Bộ Công an để phục vụ cho công cuộc “đốt lò” với mục đích chống tham nhũng. Đó là lý do, trong bộ máy của Bộ Chính trị đã lần lượt xuất hiện rất nhiều các lãnh đạo trong ngành công an, từ đó dẫn đến tình trạng mất cân bằng với số lượng nhân sự quân đội.
Cụ thể trong Khóa 13, phe công an giữ đến 6 ghế ủy viên, còn quân đội chỉ có 3 ủy viên. Trong lúc, số lượng ủy viên trung ương của phe quân đội là 23, chiếm tỷ lệ cao so với phe công an chỉ có 6 Ủy viên.
Đây là một trong những lý do dẫn đến sự mâu thuẫn lớn trong việc tranh chấp quyền lực giữa 2 phe trong thời gian gần đây. Do đó, nội bộ Đảng Cộng sản đã và đang nỗ lực cân bằng quyền lực giữa 2 phe công an và quân đội, để chấm dứt xung đột kéo dài.
Hiện nay, sự tranh chấp quyền lực giữa phe của ông Tô Lâm, với phần còn lại trong Đảng, mà phe quân đội làm trung tâm, đang nỗ lực chống lại ông Tô Lâm, ngày lại càng trở nên trầm trọng.
Mới nhất, việc bố trí cho Đại tướng Lương Cường, Thường trực Ban Bí thư thay thế cho ông Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước cũng không ngoài ý đồ đó. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng ý thức được điều này, nên đã rút lui khỏi chiếc ghế “nóng” này.
Việc thiếu vắng các khuôn mặt chính khách dân sự, có khả năng kỹ trị trong bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của đất nước về lâu dài. Công luận đặt ra câu hỏi, tại sao Việt Nam là một quốc gia đang trong thời bình, lại sử dụng một bộ máy lãnh đạo toàn các tướng lĩnh như vậy?
Trà My – Thoibao.de