Có thể do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quá mệt vì qua những ngày đi lại và làm việc căng thẳng ở Đức, mà buổi giao lưu với cộng đồng ta vừa qua tại Berlin (05.07.2017) không đạt được hiệu quả mỹ mãn.
Lẽ ra chương trình phải đơn giản hóa, bỏ đi những thủ tục rườm rà để tăng sự liên kết, gần gũi và ấm cúng lên mới phải.
BTC nên giới thiệu ngắn gọn, chứ không cần thiết phải luyện hô thử khẩu hiệu lúc mọi người chờ ông Thủ tướng vào là: „Nhiệt liệt chào mừng…“. Cái đó nó gợi cho người ta liên tưởng tới những cuộc biểu tình hay nhắc lại cái thời ngày xưa trẻ con thiếu nhi nông thôn đánh trống ếch vang lừng hô hào khẩu hiệu cổ vũ cho những đợt tòng quân của trai làng lên đường vào Nam „đánh giặc“.
Như ở Đức này tôi đi dự thì khi bà Thủ tướng vào, những người đứng đón ngoài cửa vỗ tay trước, thế là tự khắc trong hội trường người ta nghe thấy sẽ đứng lên vỗ tay theo. Vỗ dài hay ngắn là do sự hâm mộ của người đi dự hôm đó đối với vị Thượng khách. Chứ hô hoán thành khẩu hiệu ầm lên như vậy tôi cho rằng chưa hẳn đã là văn minh, có khi làm người ta nực cười và cho rằng bệnh hình thức và chưa hẳn đã xuất phát từ sự thực lòng hay một tình cảm ấm áp.
Theo tôi thì sau tràng pháo tay dài của cả hội trường thì MC vui vẻ giới thiệu một cách nghiêm túc, rồi Thủ tướng đứng lên chào bà con, thăm hỏi và bày tỏ lời cảm ơn mấy câu cho hùng hồn, dõng dạc; Ông có thể trao nụ cười thật cởi mở với mọi người, gài một chút dí dỏm hay trào phúng nhẹ nhàng mà thanh cao ; Tạo dựng nên không khí tươi vui, xóa tan ranh giới cách biệt giữa Thủ tướng và dân thường ở một mức độ cho phép vừa phải. Ngoài ra ông có thể sử dụng những thủ pháp riêng của mình để gây cảm tình và ấn tượng ngay phút ban đầu đối với người nghe (Publikum) thì buổi gặp mặt sẽ bổ ích và chan chứa tình người hơn rất nhiều.
Sự khởi động có tâm hồn và hào khí thì khi vào đề nói chuyện với khán thính giả sẽ thoải mái và thuận lợi hơn rất nhiều, bởi sự chinh phục nhân tâm qua tấm lòng thành làm cái „cầu nối những bờ vui“ mà người diễn thuyết hùng biện mang lại cho công chúng qua cảm quan ban đầu.
Sau đó là đi luôn vào vấn đề chính là hỏi bà con có những băn khoăn ,bức xúc muốn chia sẻ với Chính phủ không? V.v…
Ngồi ở Việt Nam, qua báo cáo của các Bộ, các nghành, hẳn ông Thủ tướng cũng đã nắm rất rõ tình hình an ninh, chính trị, cách sinh sống của bà con mình ở Đức cụ thể ra sao rồi. Hà cớ chi, các vị lại bắt ông nghe lại những báo cáo rườm rà, chỉ nặng về thành tích. Những thành tích ít ỏi, không đáng gì mà ông cũng đã biết mà chúng ta ở đây cũng không lạ gi. Thế thì là thừa. Hơn nữa những lời phát biểu lại được định đoạt trước: Ai được nói và nói những gì? Có vị viết lên giấy sẵn, mà lúc đọc để chia sẻ cũng không trôi chảy; Ngập ngừng „tắc bụp“ như súng bắn tỉa của anh hùng Núp…
Cái mà cộng đồng chờ mong là những tâm tư tình cảm của ông Thủ tướng dành cho người Hải ngoại, cụ thể là ở Đức. Những câu trả lời của ông cho những câu hỏi mà cộng đồng đang cập nhật qua nguồn thông tin đa chiều, không biết tin bên nào; „lề trái“ hay „lề phải“? Họ cần qua ông mà thẩm định giả, hư ra sao. Ví dụ họ cần được ông giải thích một cách cặn kẽ để họ tránh hiểu lầm mà không bị mắc lừa đảng nọ, phái kia. Cụ thể như:
– Tại sao vừa qua Chính phủ lại phải xử „Mẹ Nấm“ nặng như vậy?
– Tình hình Biển Đông thế nào?
– Tại sao phải sống chết giữ Formosa bằng mọi giá ở lại Việt Nam?
– Tại sao việc chống tham nhũng lại cam co đến như vậy?
– Tại sao nợ công càng ngày càng „khủng“, vượt quá ngưỡng cho phép mà không trú trọng đến việc tịch biên tài sản của cán bộ tham nhũng hay thu thuế của các doanh nhân trong nước và nước ngoài cho có hiệu quả; Cứ nhằm vào việc nâng giá xăng dầu tủn mủn để đánh dân đen?- Người tiêu dùng cuối cùng (Endverbraucher)
– Hướng giải quyết về vụ Đồng Tâm, sân Golf như thế nào?
– Tại sao nhiều huyện tỉnh cả họ làm quan mà con em dân thường học giỏi, đạo đức tốt lại không đực trưng dụng?
– Ông mong mỏi chờ đợi gì ở mỗi chúng ta? Chúng ta phải làm gì? Người Việt ở Đức phải làm gì để giúp Chính phủ?
– Chương trình hành động cụ thể của Nội các do ông đứng đầu sẽ như thế nào? Còn gặp khó khăn gì?
– v.v…
Tôi cho đó mới là những thứ mà người Việt ở Đức này quan tâm. Chứ những cái khác thì đối với chúng tôi là người trong cuộc – Là người tự mình bắt tay xây dựng nó lên; Nghe đi nghe lại quá nhiều lần rồi.
Ông Thủ tướng thì mệt, lại phải nghe cái điệp khúc : khoe con cái người Việt học tốt (Ở mức phổ thông, chứ lên Đại học là không qua được mặt sinh viên Đức đâu), tính đặc thù làm ăn và sinh sống khôn (ngoan) của người Việt trong xã hội Đức, luật cư trú và bầu cử, đầu tư v.v… nó đã từng có hoặc quá cũ rồi, mà cũng không thực sự là cần thiết và cấp bách cho dân tộc mình lúc này cho lắm. Vì nhiều cái còn khập khiễng và chưa đồng bộ…Ông Thủ tướng biết cả rồi, biết lâu rồi.
Thật đáng tiếc cho buổi giao lưu tốn công, tốn của mà không giải quyết được điều gì sáng giá và thức thời cho cả hai phía – Chính phủ và người dân hải ngoại.
Về cuối buổi thì khâu tổ chức giữ trật tự, nếp sống văn minh lại không được tốt. Nhiều người chen lấn, xô đẩy để được chụp ảnh bằng được với Thủ tướng như kiểu „ăn thua“ gây lên sự lộn xộn không đẹp mắt và động cơ gặp ông thiếu sự lành mạnh.
Đây cũng là điều mà cộng đồng ta ở Đức này nhiều vị có hàng mấy chục năm thâm niên vẫn chưa HỘI NHẬP được. Họ mới chỉ biết NHẬP HỘI mà thôi.
Dù sao thì cộng đồng chúng ta cũng cầu mong cho chuyến đi của ông Thủ tướng cùng đoàn Chính phủ gặp được những thành công nhất định ở đất nước văn minh này. Mình còn nghèo, lạc hậu và chưa thông minh sáng láng được, cũng là điều làm chúng ta buồn mà quyết tâm phấn đấu đi lên…
Kính chúc các vị có thêm sức khỏe và mọi sự bình an.
Nguyễn Doãn Đôn – Berlin