Việt Nam là quân bài quan trọng của Trung Quốc, trong kế hoạch chia để trị ở Biển Đông

Ngày 4/11, BBC Tiếng Việt bình luận, “Trung Quốc củng cố quan hệ quốc phòng với Việt Nam nhằm “chia để trị” ở Biển Đông?”

BBC cho biết, chuyến thăm gần đây của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp tới Việt Nam, được xem là một dấu hiệu quan trọng, thể hiện sự thắt chặt hợp tác quốc phòng giữa Bắc Kinh và Hà Nội, đồng thời cũng là bước đi chiến lược của Trung Quốc nhằm giảm bất ổn trong khu vực.

Theo BBC, chuyến thăm của Thượng tướng Trương Hựu Hiệp từ ngày 24 đến 26/10.

Ông đã chào xã giao Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.

Tại cuộc hội đàm, 2 bên đã ký kết các văn kiện: Ý định thư giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc, về tăng cường hợp tác quốc phòng; Thoả thuận hợp tác Biên phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

BBC dẫn lời ông Chu Phong, Hiệu trưởng trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, cho biết, Bắc Kinh có thể muốn tạo dựng một “hình mẫu Việt Nam”, để giảm căng thẳng với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền khác, tránh tình trạng đối đầu như với Philippines.

Vài tháng qua, mâu thuẫn chủ quyền trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng, với những cuộc đụng độ thường xuyên của tàu 2 nước.

BBC dẫn nhận định của chuyên gia Malcolm Davis, từ Úc, cho rằng, trong bối cảnh này, Trung Quốc sẽ có lợi trong việc cố gắng xoa dịu tranh chấp với Việt Nam, và “sử dụng hiệu quả chiến thuật “chia để trị” để đạt được mục tiêu của mình”.

BBC trích giải thích của hãng tin quốc tế, về chiến thuật “chia để trị” nói trên, có thể bao gồm các biện pháp kinh tế và ngoại giao, để trừng phạt các quốc gia vi phạm các ranh giới không thành văn; và những ưu đãi về thương mại, đầu tư, để dụ dỗ các quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn, nhằm mở rộng ảnh hưởng.

Dù Việt Nam cũng là quốc gia có yêu sách trên Biển Đông, nhưng cách cư xử của Trung Quốc được cho là mềm dẻo hơn, so với cách họ sử dụng với Philippines.

BBC dẫn đánh giá của nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình, từ Trung Quốc, cho rằng, Bắc Kinh ngày càng coi Hà Nội là quốc gia trung gian, để cân bằng quan hệ quốc phòng với các nước láng giềng khác.

Ông nói, sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với ASEAN và khả năng quân sự tương đối mạnh, khiến các quốc gia khác, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, muốn thiết lập quan hệ.

Vẫn theo BBC, thời gian gần đây, Mỹ đã gia tăng hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, nếu Trung Quốc quá cứng rắn trước Việt Nam, có khả năng, Hà Nội sẽ nghiêng thêm về phía Washington.

Khác với Việt Nam, Philippines hợp tác chặt chẽ với Mỹ về mặt quân sự.

Trong khi đó, BBC cũng cho biết, dù lãnh đạo Việt Nam với Trung Quốc luôn nhấn mạnh tới yêu cầu kiềm chế và đối thoại, để giải quyết khác biệt, 2 bên vẫn có những va chạm trên thực địa.

Mới đây, lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc đã trấn áp, đánh bị thương, và tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam, vào cuối tháng 9/2024. Trong vụ việc này, Việt Nam đã lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ, thẳng thắn hơn.

BBC nhắc lại, vào thời điểm đó, một nhà nghiên cứu của Dự án Đại sự ký Biển Đông nói rằng, Việt Nam sẽ vẫn giữ cách tiếp cận cũ: Ngoại giao âm thầm nhiều nhất có thể, nhưng khi việc ngoại giao này thất bại, hoặc đối với những vụ việc nghiêm trọng, Việt Nam sẽ lên tiếng công khai.

BBC cho biết thêm, trong cuộc hội đàm với ông Trương Hựu Hiệp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang một lần nữa nhắc đến việc cần sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vốn đã qua nhiều lần lỗi hẹn, sau hơn 10 năm đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN.

 

Quang Minh – thoibao.de