Trong thời gian gần đây, dư luận xôn xao về một số bài viết xúc phạm GS Ngô Bảo Châu bằng những lời lẽ thô bỉ, vô văn hóa.
Trong thời đại thông tin hiện nay, với sự phát triển như vũ bão và sức lan tỏa khủng khiếp của các mạng xã hội như Facebook… thì người ta không thể ngăn chặn được những bài viết của cá nhân hay tổ chức để phê bình, đả kích, công kích, thậm chí chửi bới những cá nhân hay tổ chức khác, mà tùy để độc giả tự nhận xét, đánh giá, bình luận.
Tuy nhiên, việc Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, một tờ báo được coi là chính thống cũng vào hùa với một số trang trên mạng xã hội để công kích GS Ngô Bảo Châu với những lập luận xáo mòn, những lời lẽ khiếm nhã, cho thấy một sự xuống cấp nghiêm trọng về văn hóa của xã hội Việt Nam.
Ngay dòng đầu tiên của bài „Ngô Bảo Châu trên con đường trở thành ngụy dân chủ phản bội dân tộc mình“, tác giả An Chiến viết: „Sau khi giải được cái bài toán về Bổ đề gì đó mà đa số dân Việt Nam có khi không mấy ai biết là để dùng vào việc gì, Ngô Bảo Châu đạt giải Toán học Fields“. Rõ ràng đây là một vấn đề toán học cao siêu, nhiều nhà toán học lớn trên thế giới cũng chưa giải được nên họ mới thán phục và tôn vinh GS Ngô Bảo Châu với giải Toán học Fields, được coi như giải Nobel về Toán học. Dĩ nhiên, ngoài những nhà toán học cao cấp thì hầu hết người dân thế giới, chứ không riêng người dân Việt Nam chẳng hiểu được ý nghĩa của Bổ đề này đối với ngành toán học thế giới. Nhưng chắc chắn Bổ đề toán học này chẳng thể đem chia chác để đánh chén, ăn nhậu hoặc mua nhà, mua cửa như tác giả muốn biết „để dùng vào việc gì“.
Giáo sư Ngô Bảo Châu là một người đã đi nhiều nơi trên thế giới, đã từng sống nhiều năm ở Pháp, nơi có bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền nổi tiếng của Cách mạng Pháp năm 1789 và ở Mỹ, nơi có bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của Tổng thống Jefferson công bố ngày 4/7/1776. Đây là hai bản Tuyên ngôn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn, đưa vào Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công bố ngày 2/9/1945. Với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, với ý thức trách nhiệm của một nhà trí thức yêu nước, Giáo sư Ngô Bảo Châu không thể im lặng trước sự bất công trong xã hội, trước sự đàn áp hà khắc của chính quyền đối với những người phụ nữ còn nuôi con nhỏ, chỉ đấu tranh ôn hòa để bảo vệ môi trường sống, thực hiện „quyền tự do ngôn luận“ được ghi trong Hiến Pháp. Vậy mà An Chiến lại dùng ngôn ngữ „đầu đường, xó chợ“ để nói GS Ngô Bảo Châu là „chõ mồm để đá xéo chế độ“ và kết luận là „Ngô Bảo Châu đang phản bội người nuôi dưỡng mình, dân tộc mình“.
Trong đời sống tâm linh của người Việt, ai cũng mong muốn cho người thân của mình sau khi phải rời khỏi thế giới này được „mồ yên, mả đẹp“ và sau đó là „sớm được siêu thoát“. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Di chúc của mình cũng bày tỏ nguyện vọng được „hỏa táng“ và đem tro đi rắc. Chúng ta kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chúng ta cũng cầu mong cho Người sớm được siêu thoát, như chúng ta vẫn thường làm Lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc. Vì thế, việc GS Ngô Bảo Châu cho rằng „Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta“, nếu có ám chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hoàn toàn không có ý xúc phạm, mà là tình cảm thực sự dành cho Người, mong muốn Người được yên nghỉ và siêu thoát.
Không biết Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh có „văn hóa“ tới đâu mà dám đăng bài nhận xét GS Ngô Bảo Châu „đang hành xử như một kẻ vô lại, không có học thức với trò đánh lén sau lưng“ rồi „GS Ngô Bảo Châu „đá bát“ khi thỉnh thoảng rỉa rói, móc ngoáy một số vấn đề với những ngôn từ hạ đẳng…“. Không biết được cấp nào, cơ quan nào bật đèn xanh mà bài báo trên Tuần báo Văn nghệ lại tiên đoán GS Ngô Bảo Châu „đã sắp thành ngụy dân chủ“ và đe dọa: “ Nếu không sớm tỉnh ngộ, Ngô Bảo Châu sẽ không thoát khỏi tình trạng thân bại danh liệt“.
Một bài báo với những lời lẽ thô tục công kích một trí thức, một nhà khoa học nổi tiếng thế giới lại được đăng trên một tờ báo „Văn nghệ“ chính thống là một bằng chứng cho thấy văn hóa ở xã hội Việt Nam đã xuống cấp thê thảm tới mức nào!
Trung Khoa – Thoibao.de
Bài trên Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh : http://tuanbaovannghetphcm.vn/ngo-bao-chau-tren-con-duong-tro-thanh-nguy-dan-chu-phan-boi-dan-toc-minh/
—