Thị Trưởng Đà Nẵng

Nhắc đến Đà Nẵng khó mà không nhắc đến Bá Thanh, chính trị gia hiếm hoi thu hút công chúng như một ngôi sao giải trí hạng A, đến mức ngay cả khi không còn hiện diện, những lãnh đạo kế nhiệm cũng khó ai thoát khỏi cái bóng quá lớn mà ông để lại.

Năm 2013, khi Bá Thanh được (bị) rút ra ngoài Hà Nội thì người làm phó cho ông là Trần Thọ được bổ nhiệm lên thay. Ngay từ đầu, người đàn ông có thời làm tuyên giáo này đã cố gắng gây ấn tượng bằng cách lớn tiếng đập bàn, hô hào chống tham nhũng nhưng khác với Bá Thanh, Trần Thọ không có sự ủng hộ ở địa phương lẫn các mối quan hệ chống lưng ngoài TW, nên chỉ cần vài đòn dưới thắt lưng đơn giản, một doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tiễn vị Bí thư quyền lực ra về mà không có tiếng kèn trống nào. 
Xuân Anh thì trái lại, mặc dù không nhận được sự ủng hộ từ Ban Thường vụ cũ, song con đường đến chiếc ghế quyền lực của Xuân Anh có thể nói là trải đầy hoa hồng. Quá tự tin vào các mối quan hệ cá nhân và sớm được đám báo chí tung hô, Xuân Anh quên mất xung quanh mình còn một Ban Thường vụ đầy chia rẽ. Nên hoa hồng nào mà chẳng có gai, cuộc vui ngắn chẳng tày gang, chưa đầy hai năm sau ngày nhậm chức, những đợt sóng ngầm bắt đầu cuồn cuộn chảy dưới đáy con sông Hàn thơ mộng.

Tháng 5- 2017, Xuân Anh phát biểu trong một buổi họp báo “Không có chuyện nội bộ ĐN mất đoàn kết” thì ở đất nước này, điều đó có nghĩa là cuộc chiến giữa hai phe đang hồi gây cấn nhất. Không chủ trương lớn nào của TP thành hiện thực, dự án hầm chui phải “nghiên cứu lại”, Sơn Trà rơi vào thế giằng co, nhiều vấn đề tiêu cực của đô thị bị phơi bày ra nhưng công chức chỉ biết nhìn nhau, cơ quan hành chính đình trệ còn lãnh đạo không dám quyết gì, đơn giản không ai muốn nổi bật ở thời điểm quá nhạy cảm này. Từ đó đến nay, “Thành phố 4 an” rơi và thế bế tắc, gây bao bất an cho doanh nghiệp lẫn người dân ở địa phương.

Những việc diễn ra ở Đà Nẵng thời gian qua là ví dụ điển hình của bộ máy nhà nước hoạt động theo kiểu song trùng. Cách tổ chức theo kiểu này tập quyền quá lớn ở TW, lại không phân quyền hợp lý ở các địa phương, dẫn đến cấp chính quyền gần dân nhất lại không thể chủ động được và luôn phản ứng chậm chạp với các diễn biến xung quanh mình. Ưu điểm của mô hình kiểu Xô Viết này là quyền lực không tập trung vào một cá nhân nhưng các chức năng lại trùng lắp, chồng chéo nhau, và khi “bánh răng” bên Đảng và chính quyền không “ăn khớp” với nhau thì cả bộ máy gần như không thể vận hành được.

Cả Đà Nẵng đang đồn đoán lãnh đạo mới từ Hà Nội điều về để ổn định tình hình nhưng vấn đề của thành phố này không phải nhân sự mà là cách bộ máy vận hành. Thay vài “con ốc” mà vẫn giữ nguyên “hệ điều hành” thì chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Sau những gì diễn ra, Trung ương nên mạnh dạn cho phép Đà Nẵng nâng cấp “hệ điều hành” bằng cách thí điểm mô hình Chính Quyền Đô Thị và “nhất thể hoá” chức danh người đứng đầu là Thị trưởng và do dân trực tiếp bầu lên. Một vị trí chính danh như vậy mới đảm bảo cho họ vị trí chính trị vững chắc, trao cho họ thực quyền bổ nhiệm các viên chức hành pháp (phó Thị trưởng, giám đốc sở…) để tạo thành một ekip làm việc hiệu quả. Hầm hay cầu, quảng trường ở đâu hay quy hoạch Sơn Trà thế nào thì Thị trưởng chỉ nên chịu trách nhiệm trước cử tri của mình, mất lòng dân thì mất ghế thay vì chỉ tìm cách lấy lòng anh Ba, anh Bảy như hiện nay. Tất nhiên, để tránh quyền lực bị cát cứ, nếu vi phạm pháp luật, Hà Nội vẫn có thể cách chức Thị trưởng và tổ chức bầu cử lại.

Chỉ khi làm được vậy, Đà Nẵng mới mong tìm lại được động lực để phát triển mạnh mẽ. Còn những phương án khác, điều ông này hay bà kia về mà không có ý kiến của nhân dân thì đều vô giá trị.

 

 

Lê Trọng Vũ